Phòng, chống bệnh phong

Cập nhật ngày: 13/02/2017 06:21:22

* Bệnh phong là gì?

Bệnh phong (cùi, hủi) không phải là bệnh có yếu tố di truyền mà là một bệnh nhiễm khuẩn, gây ra bởi một loại trực khuẩn có tên khoa học là Mycobacterium leprae (hay còn được gọi là trực khuẩn Hansen). Bệnh phong lây qua đường da hoặc đường hô hấp. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh phụ thuộc vào đáp ứng của mỗi người đối với vi khuẩn M. leprae. Khoảng 90% dân số trên thế giới có sức đề kháng tự nhiên chống lại bệnh phong, không mắc bệnh cho dù họ có tự tiêm truyền vi khuẩn còn sống vào cơ thể.

Bệnh phong là bệnh lây nhưng khó lây và lây ít, tỉ lệ lây giữa vợ chồng là 3 - 6%, lây chậm. Thời gian ủ bệnh kéo dài (tính trung bình, thời kỳ đó là 2-3 năm hoặc lâu hơn), nên rất khó xác định bệnh nhân bị nhiễm bệnh ở đâu và khi nào. Trẻ em thường dễ nhiễm bệnh hơn người lớn.

* Triệu chứng của bệnh phong

Bệnh phong lây lan qua da (bị tổn thương) và niêm mạc từ người đã mắc bệnh, hoặc hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp; lâu ngày với những chất xuất tiết (nước mũi, nước miếng...) chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh mà bệnh nhân thường thải chủ yếu qua thương tổn mũi, họng ở giai đoạn muộn, vi khuẩn này xâm nhập chủ yếu qua vùng da bị sây sát.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh phong gồm 2 thời kỳ:

- Thời kỳ ủ bệnh:

+ Bệnh phong có thời kỳ ủ bệnh dài nhất so với tất cả các bệnh lây truyền khác (2-3 năm hoặc lâu hơn).

+ Triệu chứng sớm: sốt nhẹ, buồn ngủ, cảm giác vướng màng nhện, ít có giá trị, khó phát hiện.

- Thời kỳ toàn phát:

+ Triệu chứng ngoài da:

Vết đỏ hồng hay gặp, đôi khi vết dát trắng bạc màu hoặc ít hơn nữa là dát sẫm màu, tồn tại lâu, giảm cảm giác hoặc mất cảm giác nóng, lạnh và đau. Dát đỏ, giới hạn rõ hoặc không rõ, không gồ cao trên mặt da.

Mảng củ: đám mảng đỏ, giới hạn rõ, có bờ gồ cao, bờ có củ nhỏ hoặc củ to lấm tấm bằng đầu tăm, hạt đỗ, hạt ngô để lại sẹo, thường gặp trong thể phong củ (LT).

Mảng cộp (u phong): đám đỏ sẫm gồ cao trên mặt da, bóng, giới hạn không rõ, ấn vào cộp lên, hay ăn vào lông mày, trán, gọi là bộ mặt như sư tử, gặp trong thể phong u (LL).

+     Triệu chứng thần kinh:

Giảm, mất cảm giác đau và nóng lạnh ở trên đám tổn thương, dát đỏ, mảng củ hay mảng cộp, hoặc mất cảm giác đau ở hai cẳng bàn tay, cẳng bàn chân, phát hiện bằng châm kim thử cảm giác và áp ống nước lạnh, nước nóng.

Cảm giác sâu nhận biết tỳ đè, áp lực thường còn.

Viêm, sưng một số dây thần kinh, dây thần kinh sưng nhẹ hoặc sưng to lổn nhổn như chuỗi hạt. Sờ vào sẽ thấy các dây thần kinh đó to hơn bình thường và nhạy cảm, có chỗ thấy mềm nếu bị áp-xe thần kinh.

+ Triệu chứng cơ:

Do dây thần kinh vận động bị tổn thương, gây liệt cơ và teo cơ. Có thể gặp nhiều biểu hiện khác nhau. Ở mặt, có thể thấy mất khả năng nhắm mắt và cơ mặt mất tính linh hoạt, tạo nên vẻ mặt đơ ra như “mặt nạ”. Ở chi, có thể thấy hiện tượng “bàn tay quắp” và “bàn chân thõng” ở những mức độ khác nhau.

+ Triệu chứng rối loạn dinh dưỡng:

Hỏng móng, da seo bủng.

Loét ổ gà thường ở bàn chân nơi tỳ nén do rối loạn thần kinh dinh dưỡng, do sang chấn không biết đau, loét sâu dai dẳng, khó lành.

Rụng lông mày là triệu chứng hay gặp và quý giá.

Cụt, rụt ngón tay, ngón chân do tổn thương xương (loãng xương, teo xương)

+ Loạn chứng bài tiết:

Da khô hoặc bóng quá; ít tiết mồ hôi; da mỡ do rối loạn nội tiết.

+ Triệu chứng phủ tạng và ngũ quan:

Tổn thương mắt (50%), viêm giác mạc (30%) có thể dẫn đến mù lòa tàn phế.

Viêm mũi, viêm họng khản tiếng, hạch sưng.

Viêm tinh hoàn, viêm xương, gan, lách to, có thể có tổn thương toàn thể các cơ quan vì là bệnh toàn thể.

* Những biến chứng của bệnh phong:

- Vì da không còn cảm giác nên người bệnh thường hay có thương tích nơi đầu ngón tay, ngón chân mà họ không biết. Rồi vết thương bội nhiễm với vi khuẩn khác, tế bào tiêu hao, xương hủy hoại, ngón tay, ngón chân ngắn lại. Do đó, xưa kia, có người cho rằng bị phong thì ngón tay, ngón chân rụng dần.

- Thần kinh ngoại vi tổn thương khiến bàn tay, bàn chân không cử động, cứng lại, co quắp, bệnh nhân đi lại khó khăn và không cầm đồ vật được.

- Bàn chân thủng loét và nhiễm độc.

- Giác mạc tổn thương, mờ đục, áp nhãn tăng cao, mắt khô, không chớp mắt và có thể đưa tới khiếm thị, mù lòa.

- Tinh hoàn teo, không sản xuất được tinh trùng, đưa đến vô sinh nam.

- Lông mày, lông mi rụng nhưng tóc toàn vẹn.

Chính những biến chứng này là nguyên nhân đưa tới tàn tật cho bệnh nhân.

* Phòng bệnh phong

Hiện nay, bệnh chỉ xảy ra rất ít tại một số quốc gia chứ không là dịch như cúm.

Đường lối chống phong của Việt Nam là “điều trị tại gia đình”, thanh toán bệnh phong từng vùng. Bệnh rất khó lây lan, cho nên các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người:

- Phòng bệnh cá nhân: giữ vệ sinh thân thể là cách phòng bệnh tốt nhất; tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, miệng của bệnh nhân, nhất là những chỗ xây xát; rửa tay sạch sẽ sau khi chăm sóc, tiếp xúc với bệnh nhân; hiểu biết rõ ràng về nguyên nhân, diễn tiến của bệnh.

- Phòng bệnh cộng đồng: phát hiện sớm và kịp thời, điều trị càng sớm bệnh càng chóng khỏi, nguồn lây càng sớm được dập tắt, bên cạnh đó người bệnh tránh được tàn phế; phòng, chống lây lan bệnh bằng cách tổ chức điều trị hiệu quả tại nhà cho bệnh nhân phong thuộc bất kỳ thể bệnh nào; xây dựng kỹ thuật điều trị.

Các phác đồ điều trị bằng liệu pháp đa hóa của Tổ chức y tế thế giới đã được các nước ứng dụng và có công hiệu. Liệu pháp đa hóa là những biện pháp đơn giản trong liệu pháp vật lý, vận động thể dục để phòng và chữa tàn phế cho bệnh nhân phong.

Bệnh phong không còn nguy hiểm nữa. Bệnh phong có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và bệnh nhân uống thuốc đúng theo hướng dẫn. Tuy nhiên sau khi điều trị, bệnh phong hết lây lan, nhưng thường để lại một vài di chứng cả về thể chất lẫn tâm thần cho bệnh nhân.

Người bệnh phong cần được sự chăm sóc, giúp đỡ của xã hội, của mọi người trong việc phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi kinh tế - xã hội và thay đổi hình ảnh người mắc bệnh phong trong cộng đồng. Họ xứng đáng được đối xử bình đẳng như những người bình thường khác.

Thanh Vi/TTTT-GDSK

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn