Thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá

Cập nhật ngày: 16/07/2016 06:58:46

ĐTO - Tỉnh đang triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL). Thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTHCTH là giải pháp chủ đạo, được lồng ghép vào các chương trình, chiến lược về nâng cao sức khỏe để tăng cường nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi sử dụng thuốc lá trong cộng đồng.


Đoàn kiểm tra nhắc nhở việc quảng cáo, trưng bày thuốc lá

Hút thuốc lá gây tác hại về mặt sức khỏe và kinh tế Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam có 50% nam và 3,4% nữ hút thuốc lá (cao nhất châu Á), 26% thanh thiếu niên có độ tuổi từ 15-24, trên 40% nam và 1,3% nữ cán bộ y tế hút thuốc lá. Nếu không có biện pháp can thiệp kip thời, 10% dân số Việt Nam sẽ chết sớm do hút thuốc lá. Theo nghiên cứu của Đại học Y tế công cộng, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra là trên 23 ngàn tỷ đồng/năm.

Đồng Tháp có tỷ lệ người hút thuốc lá ở mức cao và chưa có chiều hướng giảm, đặc biệt cán bộ, công chức, viên chức chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người hút thuốc lá. Từ khi Luật PCTHCTL có hiệu lực đến nay, công tác PCTHCTL đã được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát điều tra năm 2015, việc thực hiện Luật PCTHCTL đã được các sở, ban, ngành ủng hộ và tỉnh đã tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và quy định của Luật PCTHCTL. Tuy nhiên, công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện PCTHCTL chưa được triển khai, còn tồn tại nhiều hành vi vi phạm.

Năm nay, tỉnh tăng cường thực thi nghiêm Luật PCTHCTL và môi trường không khói thuốc. Cụ thể: nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật PCTHCTL và các văn bản hướng dẫn; xây dựng môi trường không khói thuốc và giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động PCTHCTL tại cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, điểm tham quan du lịch, phương tiện giao thông công cộng và một số địa điểm công cộng khác; tăng cường năng lực cho cán bộ thanh tra, công an về PCTHCTL, các quy định của Luật PCTHCTL và các văn bản hướng dẫn.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, tỉnh bổ sung nhiệm vụ PCTHCTL cho Ban chỉ đạo chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân tỉnh, huyện và 100% cơ sở y tế, chỉ đạo thực hiện mô hình không thuốc lá; thiết lập mạng lưới PCTHCTL bao gồm các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp. Ngành y tế xây dựng mô hình chuẩn “Đơn vị không khói thuốc” tại Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc. Ngành giáo dục xây dựng mô hình chuẩn “Trường học không khói thuốc” tại 12 trường THPT và trường THCS. Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp tiếp tục duy trì mô hình “Trường học không khói thuốc”...

Nhóm giám sát, thanh, kiểm tra liên ngành của tỉnh gồm các Sở: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Cục thuế,... sẽ giám sát, thanh, kiểm tra việc thi hành các quy định của Luật PCTHCTL, đặc biệt là môi trường không khói thuốc, đánh giá các hoạt động PCTHCTL, các vi phạm về quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ tại điểm bán thuốc lá, các vi phạm tại nhà hàng, khách sạn, bến tàu, bến xe,...

Sở Y tế là cơ quan thường trực về PCTHCTL, có nhiệm vụ phối hợp các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch PCTHCTL, hoạt động của Quỹ PCTHCTL trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của Luật PCTHCTL và các văn bản hướng dẫn, vận động cộng đồng tích cực tham gia các quy định về PCTHCTL...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn