Thuốc lá độc hại

Cập nhật ngày: 13/01/2017 06:32:19

 * Thuốc lá là gì?

Thuốc lá là một loại cây có độc, nhất là những lá già, có hàm lượng Nicotin cao. Người ta đã thấy người lớn chết do dùng khoảng 15 - 20g thuốc lá dưới dạng thuốc nước để thụt tháo đại trực tràng. Trẻ con chỉ cần uống một vài gam thuốc lá là đã tử vong.

Hoạt chất chủ yếu có trong thuốc lá hoặc thuốc lào là chất Nicotin, một loại Alcaloid. Nicotin được sử dụng ở liều thấp, tạo ra sự sảng khoái nhẹ nhàng, làm dịu cơn đói và bớt mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu dùng lâu dài sẽ gây lệ thuộc và độc hại cho cơ thể, liều cao sẽ gây chết người.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới. Mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc và hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.

* Những chất độc hại có trong khói thuốc lá

Người ta phân biệt ra hai nguồn khói thuốc: khói thuốc chính và khói thuốc đảm bảo:

- Khói thuốc chính là khói thuốc do người hút hít vào, thở ra có chứa hơn 4.700 chất khác nhau gồm những chất chính sau:

+ Nicotine, trong một điếu thuốc có chứa khoảng 1 - 3mg nicotine là một chất gây nghiện và rất độc.

+ Carbon monoxide (CO), trong một điếu thuốc có chứa khoảng 20ml CO, đây là một chất ngăn cản sự vận chuyển Oxy trong máu, như vậy ở một người vốn đã bị suy hô hấp thì khói thuốc sẽ làm cho tình trạng bệnh lý trầm trọng thêm.

- Các chất gây kích thích (aldehyd, axit, phenol...) gây viêm phế quản mạn, gây rối loạn thông khí và nguy hiểm nhất là các chất gây ung thư như: hợp chất thơm có vòng đóng, Benzopyren hay các Nitrosamin,...

- Khói thuốc phụ là khói tỏa ra ở đầu điếu thuốc để cháy tự nhiên khi không hút và thành phần chất độc chứa trong khói thuốc phụ cũng tương tự như trong khói thuốc chính nhưng cao hơn rất nhiều lần, vì vậy nó rất nguy hiểm cho người hút đặc biệt là những người hút thuốc thụ động.

* Nguy cơ của việc hút thuốc lá

Người hút thuốc lá chủ động sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý như các bệnh lý ở hệ hô hấp, bệnh lý hệ mạch máu, bệnh ung thư gồm: ung thư phổi và các loại ung thư khác, ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản. Người hút thuốc lá thụ động là người không hút thuốc nhưng lại phải chung sống hay cùng làm việc với người nghiện thuốc lá, đặc biệt là đối tượng trẻ con vẫn có nguy cơ bị bệnh rất cao do hít phải khói thuốc thụ động. Đối với người lớn: các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi lên 20-30%, tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 25-35%, tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%; phụ nữ mang thai có thể bị sảy thai, thai nhi chậm phát triển hoặc sinh non nhẹ cân. Trẻ em rất dễ cảm nhiễm với khói thuốc, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, tai- mũi- họng như viêm tai giữa, hen, giảm thính lực, giảm chức năng phổi của trẻ, có thể gây hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Công nhân làm cho các nhà máy sản xuất thuốc lá cũng bị những nguy cơ tương tự.

Do những nguy cơ và tác hại mà khói thuốc lá gây ra cho chính bản thân người sử dụng thuốc lá cũng như những người thân của họ, đặc biệt là trẻ em thì người hút thuốc lá nên sớm bỏ hút thuốc hoặc cai thuốc đối với những người đã bị nghiện thuốc lá.

* Các biện pháp điều trị bệnh nghiện thuốc lá

Theo y học hiện đại:

Hiện nay, người ta nghiên cứu rất sâu và đề ra nhiều phương thức điều trị nghiện thuốc lá. Phương thức thông thường được dùng là liệu pháp thay thế Nicotine.

Biện pháp không dùng thuốc hay còn được gọi là biện pháp tư vấn giúp điều chỉnh nhận thức - chuyển đổi hành vi. Biện pháp này được xem là biện pháp cơ bản trong hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Quá trình này gồm nhiều giai đoạn liên tục với nhau tùy vào hiểu biết cũng như quyết tâm của người cai thuốc lá. Biện pháp tư vấn tác động được áp dụng trong tất cả các giai đoạn của quá trình trưởng thành quyết tâm cai thuốc lá, giúp tăng cường hiểu biết và quyết tâm vì thế là thành phần then chốt trong công thức thành công cai thuốc lá.

Biện pháp dùng thuốc: Trong một số trường hợp bệnh nhân không thể bỏ thuốc lá bằng những phương pháp khác, thì thầy thuốc có thể hướng dẫn bệnh nhân dùng liệu pháp thay thế dần dần thuốc lá, có nghĩa dùng một chất nào đó có tác dụng tương tự như Nicotin nhưng không gây nghiện, ít gây độc cho cơ thể và có thể giúp cho bệnh nhân thoát khỏi những triệu chứng do thiếu Nicotin nếu ngưng hút thuốc lá đột ngột. Các biện pháp dùng thuốc được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng gồm có ba biện pháp: Nicotin thay thế (miếng dán, viên nhai, ống hít); Bupropion hydrochloride (viên uống), Varenicilline. Hiện nay, ở Việt Nam đã nhập khẩu và lưu hành chính thức dạng thuốc bupropion hydrochloride - NICOSTOP. Nicotin thay thế dạng miếng dán (NICORETTE), viên nhai (NICORETTE, NIQUITIN) đều có thể mua được trên thị trường nhưng chưa được nhập chính thức. Varenicilline thì chưa thấy xuất hiện trên thị trường Việt Nam.

Các biện pháp dùng thuốc có tác dụng làm giảm nhẹ đi những khó chịu xuất hiện trong quá trình cai thuốc lá. Và như vậy các biện pháp này có chỉ định phối hợp với biện pháp tư vấn. Ở đây cần nhấn mạnh một điểm là chúng chỉ là biện pháp hỗ trợ phối hợp chứ không thể thay thế cho biện pháp tư vấn được. Tuy nhiên, các biện pháp này đã được chứng minh là tăng gấp đôi tỷ lệ thành công bỏ thuốc lá ở người nghiện thuốc lá có quyết tâm cai thuốc lá.

Theo Y học cổ truyền Đông phương: châm cứu; thuốc y học cổ truyền; tập luyện (các phương pháp dưỡng sinh, thiền định, yoga...); tâm lý trị liệu.

Thanh Vi/TTTT-GDSK

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn