“Du lịch xanh” thích ứng với chuyển đổi xanh, giảm phát thải

Cập nhật ngày: 07/11/2024 14:42:47

ĐTO - Ngày 7/11, Ban Tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024 tổ chức tập huấn về Nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải với chủ đề “Du lịch xanh” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động trước thềm Diễn đàn.


Quang cảnh buổi tập huấn

Tham dự buổi tập huấn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và đại diện các doanh nghiệp, đơn vị khởi nghiệp, các đơn vị kinh doanh du lịch, lưu trú trong và ngoài tỉnh.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu được bà Phan Yến Ly - Chuyên gia du lịch chia sẻ về xây dựng các mô hình và lộ trình phát triển doanh nghiệp du lịch bền vững, có trách nhiệm. Ngoài ra, đại biểu còn được các báo cáo viên đến từ Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) giới thiệu về những chính sách, thực tiễn gắn với mục tiêu chuyển đổi xanh. Đặc biệt, giới thiệu về Sáng kiến “Liên minh chuyển đổi xanh Mekong” và Nhóm công tác Du lịch xanh, Nông nghiệp xanh.

Tại buổi tập huấn, các đơn vị kinh doanh du lịch, lưu trú trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thống nhất phát triển du lịch xanh và giảm phát thải là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết, hiện nay, các đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc triển khai các giải pháp thực tế hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững.  Vì vậy, các đại biểu đề xuất Ban tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024 tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu hơn, nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để chuyển đổi sang mô hình kinh doanh du lịch xanh, bền vững phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Lê Quang Biểu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian qua, Đồng Tháp triển khai nhiều mô hình nông nghiệp xanh kết hợp với du lịch, bước đầu một số mô hình đạt được kết quả tích cực. Các mô hình này không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản, bảo tồn văn hóa bản địa mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học vùng Đồng Tháp Mười. Đặc biệt các mô hình này mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống…

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn