Ông Nguyễn Sự truyền cảm hứng làm du lịch

Cập nhật ngày: 31/07/2018 05:59:37

“Vượt cả mong đợi. Không chỉ truyền kinh nghiệm thiết thực để người làm du lịch (DL) vận dụng vào điều kiện đặc thù, mà còn nói rõ cả những thất bại để người đi sau rút kinh nghiệm. Hơn thế nữa, ông còn truyền lửa, truyền cảm hứng cho các nhà quản lý địa phương, sinh viên Đại học Đồng Tháp thay đổi cách làm, cách học để hướng tới thực thi DL cộng đồng bền vững của chiều sâu văn hóa”. Ông Lê Minh Hoan – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp gởi lời xin lỗi vì kết thúc buổi nói chuyện khi nhiều người làm DL cộng đồng đang còn rất muốn ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An – chia sẻ thêm, vì trời sụp tối.


Ông Nguyễn Sự chia sẻ cách làm du lịch với doanh nghiệp, nhà quản lý tỉnh Đồng Tháp

Lớp học “đặc biệt”

Nghe danh đã lâu, vì vậy khi nghe tin Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đích thân ra tận Hội An mời ông Nguyễn Sự về mở lớp “dạy” làm DL, tôi cố công đến dự dù đó là ngày nghỉ cuối tuần. Không bõ công khi ấn tượng lớp học ngay cái nhìn đầu tiên.

Không chỉ vì có đủ mặt người làm DL cộng đồng ở Đồng Tháp, mà còn bởi mô hình “một kèm một”: Địa phương có doanh nghiệp DL tham gia thì Bí thư huyện đó cùng tham gia, mà theo lời Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp là doanh nghiệp học để làm và người đứng đầu địa phương đó học để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm tốt hơn. Và cũng không hề có bản tên vị trí chỗ ngồi theo chức vụ, hay quy mô hoạt động. Ai đến trước ngồi trước và ngược lại. Thậm chí Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp phải ngồi cuối lớp vì đến sau.

Điều này không chỉ tạo cho người làm truyền thông chúng tôi ấn tượng đẹp về lớp học đúng nghĩa, mà còn tạo cho lớp học không khí thân thiện và hào hứng.

Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là ông Nguyễn Sự - “thầy giáo” của lớp học. Trái với mường tượng của tôi về con người nổi tiếng đã đưa Hội An từ thị xã cũ xưa bước vào bản đồ DL thế giới, trước mắt tôi là một Nguyễn Sự chan hòa, chân thành với chính mình và với mọi người.

“Đây không phải là lớp học vì tôi không phải và không dám nhận mình là thầy, chỉ xin chia sẻ với anh chị những gì tôi đã trải nghiệm...”- ông Sự nhanh chóng xóa ranh giới người dạy- người học ngay câu nói đầu tiên.

Và cũng không giáo trình, không có đề cương, giấy tờ... ông Sự bắt đầu và kết thúc buổi trò chuyện bằng “người thật, việc thật” từ hành trình xây dựng và phát triển DL ở Hội An quê ông.

Đặc biệt hơn, ông không chỉ nói về thành tựu mà nói cả những thất bại, thậm chí nói thật rõ, thật chi tiết với kỳ vọng để không lặp lại. “Cho mãi đến năm 1993 khi làm Chủ tịch UBND thị xã Hội An, tôi còn dốt nhiều thứ lắm, phải học và trả giá khá nhiều khi quyết tâm đeo đuổi ý tưởng DL cho Hội An” - giọng ông Sự chân tình – “Khi tôi đề xuất ý tưởng DL, một số cán bộ phản ứng và cho là tôi “lạc đường” vì không chọn ngư nghiệp làm thế mạnh. Còn người dân thì chửi bới, thậm chí dọa đốt nhà khi tôi làm phố đi bộ, lập lại trật tự vỉa hè...”.

Cầm tay chỉ việc

“Tôi phải làm gì để giữ chân khách khi họ đến vào thời điểm nhà cạnh bên có đám tang...”- Huỳnh Trịnh Quốc Phong – chủ khu Homestay “Phong - La Vent” được biết đến với ngôi nhà làm từ tre ngay giữa cánh đồng hoa rộng 5ha tọa lạc xã Tân Khánh Đông, đã nhanh chóng đặt câu hỏi ngay sau khi ông Sự kết thúc phần trình bày về cách làm DL Hội An để dành phần lớn thời gian trao đổi... Theo lời ông Phong, sau khi quan sát, nhà văn người Mỹ đồng ý lưu trú tại “Phong - La Vent” 1 tháng, nhưng chỉ sau 1 tuần, khách đã ra đi vì âm thanh từ tiếng kèn, tiếng trống...

Nghe câu hỏi, nhiều người tỏ ra lo, vì độ khó của tình huống này không hề nhỏ. Thế nhưng ông Sự đã hóa giải một cách “tâm phục - khẩu phục”. Cho rằng, kèn trống trong đám tang liên quan đến vấn đề đạo đức tâm linh nên không dễ can thiệp, thậm chí còn gây phản cảm nếu khuyên họ dừng hoạt động biểu thị tính hiếu nghĩa này chỉ vì để làm hài lòng vị khách của mình, ông Sự khuyên anh Phong nên thay đổi cách nhìn để biến bất lợi thành lợi thế.

“Ở đây có 2 tình huống. Nếu bạn biết trước về đám tang, bạn phải nói rõ với khách để họ hiểu và thông cảm. Trường hợp bạn không biết trước, thay vì bất lực nhìn khách ra đi, sao bạn không thử giải thích với khách đó là phong tục bản địa, mà nhà văn nước ngoài như anh ta rất cần để làm giàu kho tư liệu, rồi tự nguyện đưa họ đến tìm hiểu? Tôi nghĩ, nếu bạn làm được điều này, khả năng nhà văn thay đổi quyết định vào “phút cuối” là rất lớn”.

Ngay khi ông Sự dứt lời, anh Phong đứng phắt lên. Cứ tưởng đó là sự truy vấn hay chưa hài lòng..., nhưng không, anh Phong khiến khán phòng ngỡ ngàng với lời cám ơn chân tình. “Khi bắt đầu làm DL, nhiều người khuyên tôi ra Hội An học, tôi chần chừ... nhưng giờ dù chưa “đi 1 ngày đàng, tôi đã học được 1 sàng khôn”. Rất cám ơn anh Sự”.

Tiếp đó anh Trần Thanh Hùng – chủ Homestay “Ngôi nhà Hoa Ếch” (phường Tân Qui Đông - Sa Đéc) nhờ “chỉ giáo” 2 tình huống: “Phải thuyết phục như thế nào để khách đồng ý vào khách sạn ở vì homestay hết phòng và làm gì để du khách đồng ý cùng tham gia các hoạt động làm vườn”.


Ông Nguyễn Sự được nhiều doanh nghiệp “bao vây” xin Email, số điện thoại để kết nối thêm sau buổi chia sẻ

Khác hẳn với lần trả lời trước đó, ông Sự đã “bật” lại ngay: “Không có cách thuyết phục nào tốt hơn là mình chỉ nhận đủ số lượng. Bây giờ là “DL niềm tin”, khách tin mình họ mới tìm đến. Vì vậy, tốt nhất mình đừng làm mất niềm tin của khách”. Ông Sự đưa ra thí dụ về nhà may nổi tiếng chuyên may cho người nước ngoài ở Hội An. Chỉ vì “sơ suất” với lời đề nghị điều chỉnh lại đường chỉ đã sứt ra ngay sau khi mặc thử của vị khách nước ngoài, sau đó vị khách đưa hình ảnh này lên facebook, lập tức dậy lên làn sóng “tẩy chay” và nhà may đóng cửa chuyển nghề sau 7 tháng vắng khách.

Với việc kéo khách vào hoạt động làm vườn, ông Sự gợi ý: Phải công khai sớm và đầy đủ các hoạt động này đến khách hàng để họ chủ động tìm hiểu trước. Sau đó, lần lượt các ông Nguyễn Bé Tư, Bá Phúc... và nhiều nhà làm DL cộng đồng đặt câu hỏi, nhưng Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phải đứng lên nói lời cám ơn và xin phép tạm dừng vì trời đã sụp tối. Lúc này, nhiều doanh nghiệp ùa đến vây ông Sự xin email, số điện thoại như để tiếp tục cuộc chia sẻ lâu dài sau này.

Kết nối tương lai

Buổi chia sẻ kinh nghiệm làm DL kết thúc, nhưng lại mở ra niềm tin về nối kết tương lai bởi cách tổ chức có tầm của chủ nhà và cách trả lời có tâm của diễn giả.

Khi được doanh nghiệp (xin được giấu tên) đặt câu hỏi cách xử lý nạn “phá bỉnh” của hàng xóm, cụ thể là hộ lân cận thấy có khách đến là mang thuốc sâu ra phun, khiến khách bỏ đi... cứ ngỡ, ông cựu Bí thư Đảng sẽ bày ra cách nhờ sự can thiệp từ cơ quan chức năng, nhưng ông đã làm mọi người thán phục bởi cái tâm của người làm DL cộng đồng: “Không có cơ quan nào, giải pháp nào thỏa đáng và bền vững hơn sự tự nguyện”- bằng kinh nghiệm thực tiễn, ông Sự gợi mở. Ngày trước ở Hội An cũng từng vướng nạn này, homestay vừa nhận khách, nhà bên cho dọn chuồng, tắm heo..., mùi bốc lên, khách bỏ đi. Họ cầu cứu, ông Sự xuống xem và gợi ý: Thay vì “ăn trọn”, chủ homestay nên chia sẻ cho hộ lân cận phụ trách dịch vụ giặt ủi, hay cho thuê xe... để gắn bó quyền lợi. “Sau đó, chuồng heo được dẹp, các hộ liên kết lại đón khách vì đã cộng đồng quyền lợi”- ông Sự nhấn mạnh.

Không chỉ bày cách làm, ngay tại buổi chia sẻ, ông Sự còn thể hiện rõ trách nhiệm với việc làm ấy khi nghe nhiều doanh nghiệp băn khoăn giữa nghịch lý: trồng hoa kiểng cần phân, thuốc nhưng nếu phun thuốc thì ảnh hưởng đến môi trường homestay..., ngay lập tức ông gọi điện về người có trách nhiệm kỹ thuật ở làng rau sạch Trà Quế (TP.Hội An) để chuyển giao “công nghệ pha chế thuốc trừ sâu từ thảo dược” vào Đồng Tháp để “khắc chế” nguy cơ ô nhiễm.

Hơn thế nữa, cũng trong buổi chia sẻ này, ông đã nối kết doanh nghiệp DL ở Hội An với doanh nghiệp DL Đồng Tháp. Đồng Tháp có rất nhiều lợi thế về DL cộng đồng, nhất là ở xã Tân Thuận Đông (TP.Cao Lãnh), chỉ riêng mô hình “Cây cam nhà tôi” quá đủ để du khách trong tour Hội An - Đồng Tháp ”- ông Sự tự tin – “Được tận tay tưới nước, xới gốc... cây cam đơm hoa, cho trái sẽ khiến du khách sớm quay trở lại Đồng Tháp”.

Cách làm có tâm của ông Sự đã mở cánh cửa cho DL Đồng Tháp kết nối, mở rộng... nhưng chính cách tổ chức có tầm của Đồng Tháp đã đặt viên gạch nền cho DL “Đất Sen hồng” bước vững chắc trong tương lai, khi thiết kế cho ông Sự buổi nói chuyện với Đại học Đồng Tháp – nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho DL Đồng Tháp và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng với cách nói “người thật việc thật” đầy sinh động, cộng với tư vấn nhiệt tâm của người làm nên “linh hồn Phố Hội”, ông Sự đã mang đến cho thầy - trò nhiều điều hay mà trước đó chưa giáo trình nào có được.

“Thông qua hành trình có đủ “máu và hoa” để đưa Hội An bứt phá thành “điểm đến” của du khách trong và ngoài nước với thông điệp: “DL phải gắn liền với văn hóa, song hành, nương tựa và bảo tồn thiên nhiên thì DL mới có giá trị và phát triển bền vững”, ông Sự không chỉ mở ra nhiều điều để thầy – trò nơi đây có thêm cơ sở để đổi mới công tác dạy – học về DL và làm DL, hơn thế nữa, ông còn truyền cảm hứng, truyền lửa cho tất cả thầy- trò Trường Đại học Đồng Tháp nhiều giá trị văn hóa về lối sống – cống hiến” - Xin mượn lời TS.Lương Thanh Tân - Phó Hiệu trưởng Đại học Đồng Tháp để kết thúc bài viết này như lời tri ân công khai phóng DL Đồng Tháp lên tầm mới của ông Sự!

Lục Tùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn