Xúc tiến, quảng bá du lịch Đắk Lắk với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật ngày: 10/12/2022 20:09:39

ĐTO - Chiều ngày 10/12, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Đắc Lắk tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đắk Lắk với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở VH,TT&DL, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, hiệp hội du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL, doanh nghiệp (DN) lữ hành, lãnh đạo Sở VH,TT&DL Đắc Lắk…


Đại biểu xem clip quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh và sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP của tỉnh Đắk Lắk

Chương trình kết nối, xúc tiến, quảng bá du lịch Đắk Lắk tại các tỉnh, thành ĐBSCL năm 2022 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) của tỉnh khảo sát, xây dựng tuyến điểm mới tại các tỉnh ĐBSCL, cũng như tạo sự đoàn kết, gắn bó, thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các đơn vị thành viên; giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của Đắk Lắk, quảng bá tiềm năng, kích cầu du lịch; đẩy mạnh mùa du lịch Đắk Lắk cuối năm 2022 và năm 2023, tiếp tục xây dựng thương hiệu du lịch “Đắk Lắk - Điểm đến an toàn, thân thiện, đậm đà bản sắc Tây Nguyên”; tổ chức biểu diễn, giới thiệu âm nhạc Tây Nguyên đến với các đại biểu khu vực ĐBSCL đến tham dự hội nghị.

Đây cũng là dịp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, thu hút khách du lịch, tăng cường công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Đắk Lắk và các tỉnh, thành ĐBSCL, tạo điều kiện cho các DN du lịch gặp gỡ trao đổi hợp tác kinh doanh, liên kết cung cấp sản phẩm dịch vụ để các DN du lịch khu vực ĐBSCL có cơ sở xây dựng đưa khách đến Đắk Lắk và ngược lại;  giới thiệu chương trình Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần 8 - năm 2022 với chủ đề: “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của Cà phê thế giới” đến với các đại biểu, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và du khách tại khu vực ĐBSCL.

Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Đắk Lắk, tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 13.000 km2; dân số có trên 2 triệu người, trong đó có 49 dân tộc từ các vùng miền trong cả nước (người Kinh chiếm gần 65%, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 35% dân số toàn tỉnh); đồng bào Êđê, M’nông và J’rai là các dân tộc thiểu số tại chỗ, còn các dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác đến trong gần 50 năm qua như: Mường, Tày, Nùng, Dao, Thái, Mông... Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng phong phú và đa dạng. Chính vì thế, Đắk Lắk có sự đa dạng, phong phú về văn hóa truyền thống các vùng miền. Trong đó, các dân tộc thiểu số tại chỗ có những đặc trưng văn hóa riêng biệt của vùng Tây Nguyên như: trường ca Đam San, Xinh Nhã, Đăm Di, truyền miệng, ngôn ngữ nói, chữ viết của người Êđê, người M'nông... Một niềm tự hào cho Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh Đắk Lắk có giá trị cao gắn liền với sự đa dạng bản sắc dân tộc với những giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa, lễ hội, ẩm thực… Các di sản văn hóa vật thể nổi tiếng như: các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt thổ cẩm, tạc tượng... thể hiện đời sống, sinh hoạt văn hóa và phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc chung sống trong khu vực Tây Nguyên.

Cùng với nét độc đáo trong văn hóa, Đắk Lắk còn là vùng đất của những lễ hội khá đặc trưng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như Hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ bỏ mả… của đồng bào các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đặc biệt, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã được Chính phủ công nhận là lễ hội cấp quốc gia được tổ chức 2 năm một lần.

Ngoài những tiềm năng, thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc nói trên, tỉnh Đắk Lắk còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn có khả năng đầu tư, khai thác phát triển sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào địa hình cảnh quan đẹp, đa dạng của địa hình đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ như: thác Dray Nur, Dray Sáp Thượng, Thuỷ Tiên, Bìm Bịp, Dray K’nao, Drai Yông, Drai Dlông,… những hồ chứa nước lớn cùng một hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng của Vườn quốc gia Yok Don, Vườn quốc gia Chư Yang Sin, Rừng Lịch sử Văn hóa Môi trường hồ Lắk, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Rừng đặc dụng Nam Ka, gắn với các dòng sông Sêrêpôk, Krông Ana, Krông Bông, hồ Lắk, Ea Kao, Ea Súp, Đắk Minh, Ea Nhái, Buôn Triết...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 41 di tích được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh). Di tích Đắk Lắk có nhiều loại hình khác nhau, trong đó thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, những di tích lịch sử phản ảnh lại những trang sử bi tráng và hào hùng của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk qua các thời kỳ, di tích là sản phẩm kiến trúc văn hóa độc đáo…


Ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa hiệp hội du lịch các địa phương

Đắk Lắk có những vùng sinh thái thích nghi với nhiều loại cây trồng, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đa dạng về chủng loại, nhiều về số lượng, chất lượng đặc trưng như cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng với sản lượng hàng năm chiếm 50% sản lượng cả nước và từng bước đưa Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trở thành thủ phủ cà phê toàn cầu “Điểm đến của cà phê thế giới”, sản lượng xuất khẩu cà phê đứng đầu cả nước; hồ tiêu, ca cao, cao su, các loại cây ăn trái như: bơ, sầu riêng...

Tại hội nghị, các đại biểu, DN du lịch đã chia sẻ nhiều thông tin về thực trạng, tiềm năng, điểm đặc sắc của du lich ĐBSCL và Đắk Lắk; ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn