Bến thương hồ vùng biên

Cập nhật ngày: 17/12/2019 10:53:48

Tồn tại hàng chục năm gắn với quá trình phát triển đô thị vùng biên tỉnh Đồng Tháp, bến ghe tập kết nông sản ở TX.Hồng Ngự không chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa từ khắp các nơi đổ về mua bán mà còn là sinh kế cho hàng chục hộ dân nơi đây. Đến nay dù đã trải qua nhiều lần đổi bến thay ghe, bến nông sản này vẫn còn hoạt động khá nhộn nhịp và mang những nét đặc trưng của người dân vùng sông nước.

Sau những chuyến hàng di chuyển suốt đêm, trời vừa rạng sáng, không khí mua bán, vận chuyển các loại nông sản từ bến ghe kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng lên chợ bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Hàng hóa chủ yếu là chuối, dừa, khoai lang, dưa hấu... được các thương hồ thu gom từ các tỉnh miền Tây chở về chợ vùng biên TX.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp tiêu thụ. Bên cạnh đơn hàng cố định cho các tiểu thương lên chợ, ghe nông sản còn cung cấp hàng hóa cho các xe đẩy nhỏ bán lưu động nơi đây. Bà Huỳnh Thị Mỉnh ngụ phường An Thạnh, TX.Hồng Ngự cho biết: “Mỗi sáng, tôi đều đi lấy hàng, năm nay cũng 32 năm rồi. Một ngày thu nhập khoảng 50 ngàn đồng - 70 ngàn đồng, có khi 100 ngàn. Ở đây, có cả chục xe, bán đủ thứ các mặt hàng”.

Theo ghe từ những ngày chập chững biết đi, đến nay đã hai đời gắn bó với chiếc ghe hàng này, ông Nguyễn Văn Ghìn ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự thuộc nằm lòng danh sách nhà vườn các tỉnh, thành cũng như tiểu thương chợ TX.Hồng Ngự. Chiếc ghe nhỏ nhưng trong khoang thiết kế rộng nên mỗi chuyến hàng chở gần một chục thiên dừa và chuối. Hai bận đi về kéo dài suốt nửa tháng nên hầu như mọi sinh hoạt, mua bán, gia đình ông đều gắn liền với chiếc ghe này. Mỗi chuyến đi như vậy, sau khi trừ chi phí xăng dầu, nhân công thì nhà ghe lãi khoảng 5 - 7 triệu đồng.

Ngày nay, khi đô thị trẻ vùng biên giới Hồng Ngự ngày một phát triển, đường sá được thông thương nhưng bên cạnh nhịp độ hối hả ở nội ô thì bến ghe nông sản này vẫn còn giữ một vai trò quan trọng trong giao thương hàng hóa của TX.Hồng Ngự với các địa phương lân cận. Bên cạnh là sinh kế của các thương hồ, hàng chục chiếc ghe neo đậu ra vào bến hàng ngày cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi đến khuân vác, xếp hàng và cả mua bán nhỏ. Ông Huỳnh Văn Sang ngụ phường An Lộc, TX.Hồng Ngự cho biết: “Tôi làm khâu lột dừa, lột 1 trăm dừa được trả công 40 ngàn. Một ngày, tôi lột cỡ 1 thiên - 1 thiên rưỡi”.

Các thương hồ đã mấy lần đổi bến cũng là bấy nhiêu lần gia đình chị Trương Thị Mai ở phường An Thạnh, TX.Hồng Ngự di chuyển theo bến ghe này. Ba mươi mấy năm gắn bó với chiếc ghe hàng, con gái Như Quỳnh cũng được chị sinh trong một chuyến lấy hàng ở tận TP.Cần Thơ. Đến nay, con gái đã 3 tuổi, hàng ngày cũng theo mẹ rong ruổi trên bến nông sản để gia đình thuận tiện mưu sinh. Chị Trương Thị Mai cho biết: “Năm nay nhiêu tuổi là đi ghe nhiêu năm. Nghề nghiệp có nhiêu đó, giàu có hơn ai đâu mà đổi nghề, làm ghe này có nhiều ăn nhiều”.

Sông nước đã gắn chặt cuộc đời bao thế hệ nơi đây. Song dù hiện tại cuộc mưu sinh của người dân trên bến ghe có phần vất vả hơn so với thời hưng thịnh của nó bởi sự cạnh tranh của đường bộ nhưng nhiều khách thương hồ vẫn còn quyết tâm bám trụ với nghề. Và mỗi sáng hừng đông, bến nông sản này lại nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Từng chuyến hàng được bốc lên bến cũng là nguồn thu nhập cho nhiều gia đình tần tảo lao động bên bờ kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng.

Minh Hồ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn