“Chúng ta - Những người thầy hôm nay, hãy trồng cây cho mai sau”
Cập nhật ngày: 02/10/2019 15:47:37
Với 39 năm kết duyên cùng sự nghiệp giáo dục tại Đồng Tháp, NGƯT.PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ - người con của quê hương Hà Tĩnh đến nhận công tác tại Đồng Tháp, từ đây vùng Đất Sen hồng – nơi có mái Trường Đại học Đồng Tháp hôm nay, đã gắn bó và trở thành quê hương thứ hai của thầy. NGƯT.PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ đã đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của trường: 7 năm làm Bí thư Đoàn trường, 35 năm liên tục làm cán bộ quản lý, 19 năm làm Trưởng, Phó phòng, 7 năm Phó Hiệu trưởng, hơn 9 năm làm Hiệu trưởng và gần 10 năm làm Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Đồng Tháp.
Tặng hoa chúc mừng và tri ân
Sau gần bốn thập kỷ công tác, làm quản lý, lãnh đạo, NGƯT.PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ tròn 60 tuổi, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy, Hội đồng Trường Đại học Đồng Tháp đồng ý cho nghỉ làm công tác quản lý, lãnh đạo để làm công tác chuyên môn: giảng dạy và nghiên cứu khoa học – công nghệ kể từ tháng 9/2019.
Tại lễ bàn giao công tác lãnh đạo nhà trường, NGƯT.PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ bàn giao chức vụ Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Đồng Tháp cho PGS.TS. Phạm Minh Giản - Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy Trường Đại học Đồng Tháp, đồng thời bàn giao chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp nhiệm kỳ 2017 – 2022 cho TS. Lương Thanh Tân – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Đồng Tháp.
Trong chương trình lễ bàn giao, NGƯT.PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ đã có những chia sẻ chân tình về thời gian công tác cống hiến hết lòng, đóng góp trí tuệ và sức lực của mình vào sự nghiệp phát triển của nhà trường, về những thành tựu và dự định chưa tròn, những suy nghĩ trăn trở cho tương lai và niềm tin, sự kì vọng gửi trao cho thế hệ nối tiếp góp phần vào sự phát triển chung của Trường Đại học Đồng Tháp. Đặc biệt là lời nhắn gửi cho tập thể nhà trường: “Chúng ta - những người thầy của hôm nay, hãy trồng cây cho mai sau”, khơi gợi cảm hứng và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo của trường không ngừng phấn đấu, nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người” trăm năm.
NGƯT.PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ chia sẻ: “Câu chuyện quả táo của Kimura gợi ra nhiều suy ngẫm tới những nhà quản trị khi muốn kiến tạo hệ sinh thái trong tổ chức và trong môi trường một cơ sở giáo dục đại học. Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa tổ chức, hệ sinh thái văn hóa trong một tổ chức nói chung và một cơ sở giáo dục đại học nói riêng, sẽ được hình thành nếu như lãnh đạo tạo ra những điều kiện để “viên chức, người lao động thoải mái, làm việc hiệu quả”; đóng góp cho một trật tự chung, đoàn kết và thông cảm lẫn nhau; vai trò của lãnh đạo được hiểu rõ một cách nhất quán; và những quy luật sống chung, công khai có, ngầm hiểu có, đều giúp cho đơn vị phát triển và giữ chỗ đứng cũng như hình ảnh tốt ngoài xã hội. Những điều mà tôi tâm niệm, ví như “thế chân vạc” với 3 giá trị nền tảng làm nên “điểm tựa” cho sự phát triển của một trường đại học, bao gồm: tính đồng thuận cao; tinh thần cầu thị và tư duy linh hoạt (sự sẵn sàng học hỏi và thay đổi); chú trọng trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm cộng đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là, “tính đồng thuận cao” giữa đồng nghiệp dựa trên nguyên tắc tôn trọng, chia sẻ và hợp tác”.
TS.Lương Thanh Tân - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Đồng Tháp phát biểu chia sẻ: “Bằng tình cảm của một cựu sinh viên DThU, một nhà giáo tham gia giảng dạy và quản lý hơn 30 năm tại Trường Đại học Đồng Tháp, tôi tràn đầy tự tin “biến tiềm năng của DThU thành giá trị hữu hình” khi tập thể nhà giáo và người học ở DThU là một khối đoàn kết, cùng hợp tác và tương trợ nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm và phúc lợi; cùng vui và tự hào với những điểm mạnh và cơ hội của Trường Đại học Đồng Tháp; cùng buồn và cùng trắc ẩn với những điểm yếu và thách thức Trường Đại học Đồng Tháp; để rồi cùng nhau “rút ngắn khoảng cách giữa buồn – vui đó” bằng các giải pháp tối ưu, được thực thi một cách quyết tâm, mạnh mẽ và đồng bộ”.
Năm học mới 2019-2020 đánh dấu cột mốc quan trọng trên con đường phát triển với 45 năm truyền thống của Trường Đại học Đồng Tháp (1975 – 2020). Nhà trường xác định chủ đề năm học là “Coi trọng chất lượng, thúc đẩy hợp tác” tiếp tục thể hiện sự chân thành và cầu thị với tinh thần và quyết tâm cao nhất trên con đường khẳng định chất lượng giáo dục, hướng đến mô hình quản trị đại học hiện đại và hội nhập quốc tế, tiếp nối hành trình dựng xây, “gieo hạt và trồng cây”.
DIỆU ANH – THANH NGUYÊN