“Tôn sư trọng đạo” - Truyền thống cần được phát huy

Cập nhật ngày: 20/11/2023 06:00:25

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231120062046DT1-1.mp3

 

ĐTO - Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã xây dựng, giữ gìn và phát huy nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Hằng năm, cứ đến ngày Quốc tế Hiến chương Nhà giáo 20/11, cũng là Ngày Nhà giáo Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu, những người học trò và cộng đồng xã hội đều trân trọng, ghi nhớ công ơn, gửi gắm tình cảm tới thầy, cô giáo.

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” được giữ gìn, phát huy đã tạo nên đạo đức quý báu góp phần bồi đắp nên bản sắc văn hóa cho dân tộc Việt Nam. Thể hiện thái độ tôn kính, biết ơn thầy cô giáo, những người đã dạy dỗ mình; coi trọng việc học vấn, đạo lý và những điều học tập được qua thầy cô giáo. Truyền thống tôn sư trọng đạo thể hiện ở việc rèn luyện đạo đức, chăm học để xứng đáng với sự dạy dỗ của thầy cô, là coi trọng và làm theo những điều đúng đắn mà người thầy đã dạy mình.

Trải qua nhiều thời kỳ, vai trò của người thầy luôn được đề cao dù ở đâu hay bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử. Thầy cô giáo là định hướng, truyền đạt kiến thức, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt đạo lý thời đại. Sách vở dù hay đến đâu nếu không có thầy cô hướng dẫn, chỉ dạy thì cũng không thể phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ. Thầy cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh; thầy cô giáo còn là những người bồi dưỡng nền tảng đạo đức, nhân cách, nhân phẩm cho mỗi học sinh, hướng học sinh đạt đến các giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ, trở thành con người tốt đẹp.

Thế hệ chúng ta ngày nay, khi đang thành công hay vinh quang trong cuộc sống hay dù đang ở vị trí nào trong xã hội hãy luôn ghi nhớ công ơn của thầy cô và đền đáp lại thật xứng đáng. Không chỉ dừng ở việc ta lễ phép, kính trọng thầy cô mà ta cần thực hiện tốt những lời thầy cô dạy, chăm chỉ rèn luyện để trở thành công dân tốt. Hiện nay, dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống, những người thầy, người cô vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiên cứu, chắt chiu vốn kiến thức để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất, đã có biết bao tấm gương sáng của thầy cô giáo đã và đang được xã hội tôn vinh, trân trọng, ghi nhớ công ơn.

Từ xưa đến nay, nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, vì sản phẩm được tạo ra chính là con người. Dù ít tuổi hay cao tuổi, thầy cô giáo luôn luôn được kính trọng, tôn quý, vị nể. Mọi người trong xã hội ta thể hiện sự trọng đạo chính là trọng cái nghề “trồng người” cao quý đó. Trong ca dao Việt Nam có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”. Trong tục ngữ Việt Nam cũng đã dạy: “Không thầy đố mày làm nên”... đủ thấy được lòng trân trọng, kính yêu của Nhân dân dành cho người thầy, xem thầy cô giáo là những “kỹ sư tâm hồn” của mọi thời đại.

Đất nước ta chọn ngày 20/11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam, đây là dịp để toàn xã hội, tất cả học sinh bày tỏ tình cảm, tấm lòng của mình đối với thầy cô. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” là một đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta, hãy trân trọng, gìn giữ và phát huy, cần quan tâm đặc biệt. Điều đó cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực, không ngừng học tập chăm chỉ, trau dồi kiến thức, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để trở thành những người có ích cho xã hội.

ĐỒNG DAO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn