Bảo đảm chất lượng đầu vào trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019

Cập nhật ngày: 18/07/2019 11:38:16

Ngày 17-7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến cùng với điểm cầu tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh về công tác tuyển sinh năm 2019. Tại đây, những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất được các cơ sở đào tạo nêu ra trong quá trình thực hiện được Bộ GD và ĐT trực tiếp giải đáp, tạo thuận lợi để các trường làm tốt công tác tuyển sinh.


Tư vấn thông tin tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh tại Ngày hội tuyển sinh Trường đại học Bách khoa (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Làm tốt từ khâu tuyển sinh

Theo Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng, năm 2019, các trường tuyển 489.637 chỉ tiêu, tăng 7% so với năm 2018 do các trường kiểm định xác định theo năng lực. Trong đó, xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia là 341.840 chỉ tiêu (tương đương năm 2018) và theo phương thức khác là 147.797 chỉ tiêu (tăng 36 nghìn so với năm 2018). Riêng ngành sư phạm là 46.285 chỉ tiêu (đạt 73% nhu cầu các tỉnh, thành phố). Về nguyện vọng theo khối ngành, những ngành bảo đảm tỷ lệ việc làm cao thì số lượng nguyện vọng đăng ký cao như khối ngành Khoa học xã hội, An ninh quốc phòng, Sức khỏe... Với các trường trung cấp sư phạm, năm nay chỉ có hơn 400 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trung cấp. Vì vậy, các trường trung cấp phải xem xét dữ liệu đăng ký, nếu thấy không đủ mở lớp thì chủ động trao đổi, để thí sinh thay đổi nguyện vọng trong thời gian sắp tới, bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Hiện nay, các tổ hợp truyền thống bao quát hầu hết nhu cầu của ngành đào tạo (90% nguyện vọng/5 tổ hợp), do đó các trường không cần đặt ra quá nhiều tổ hợp, trừ các ngành đặc thù (thực tế, 133 tổ hợp còn lại chiếm 9,99% nguyện vọng).

Bộ GD và ĐT khuyến cáo các trường tuyển sinh nhiều phương thức cần xác định tỷ lệ phù hợp để bảo đảm chất lượng đầu vào; thống kê điểm thi THPT quốc gia của thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển khác; so sánh điểm trung bình chung thi THPT quốc gia của các phương thức xét tuyển khác nhau. Đồng thời cần có phương án chủ động tuyển sinh bảo đảm chất lượng, hiệu quả cho các năm sau.

Bộ GD và ĐT cũng lưu ý các trường đăng tải đầy đủ thông tin và bố trí người trực giải đáp thắc mắc cho thí sinh, nhất là từ ngày 22 đến 31-7 khi thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng. Các trường chịu trách nhiệm giải trình về việc thực hiện quy chế tuyển sinh; rà soát, báo cáo thông tin chuẩn về đội ngũ giảng viên; rà soát lại Đề án tuyển sinh từ chỉ tiêu, ngành, tổ hợp xét tuyển; hệ số bài thi/môn thi, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, tiêu chí phụ, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có)... phải chính xác so với cơ sở dữ liệu đã khai báo trong Hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh…

Thực hiện đúng lộ trình, bám sát các mốc thời gian

Tại hội nghị, đại diện các cơ sở giáo dục đào tạo tham dự ở ba điểm cầu thống nhất cho rằng, phải công khai minh bạch cam kết của các trường cũng như điều kiện bảo đảm chất lượng. Cùng với đó, chất lượng đào tạo phải đi đôi với chất lượng đầu vào và phải chú trọng trong suốt quá trình đào tạo. Thời gian tới, Bộ GD và ĐT hoàn thiện cơ sở dữ liệu về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của các trường, trong đó có cơ sở dữ liệu về giảng viên và sinh viên. Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) Nguyễn Thị Anh Đào cho rằng, nên thay đổi cơ cấu xét tốt nghiệp THPT là kết quả điểm thi và 50% quá trình học như trước đây thay vì theo cơ cấu 70% kết quả thi và 30% quá trình học như hiện nay, bởi sẽ gián tiếp dẫn đến tình trạng học sinh học lệch.

Về vấn đề xét tuyển bằng học bạ, Trưởng ban Đào tạo (ĐHQG Hà Nội) Nguyễn Đình Đức nhìn nhận các trường tốp trên ít xét học bạ do thiếu sự tin tưởng. Vì vậy, cần so sánh giữa xếp loại học bạ và kết quả thi THPT kết quả có tương đương không. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, Bộ GD và ĐT nên công bố sớm lượng điểm xét tuyển của ngành sức khỏe và ngành sư phạm để các trường trong khối ngành này chủ động lên phương án tuyển sinh phù hợp.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia là để đánh giá chuẩn đầu ra của học sinh phổ thông về kiến thức, kỹ năng sau 12 năm học phổ thông. Kỳ thi không thuần túy là công nhận tốt nghiệp, càng không phải chỉ phục vụ xét tuyển ĐH, CĐ mà quan trọng là để đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện; từ đó, yếu và thiếu ở khâu nào, địa phương đó sẽ có chính sách phù hợp. Phương thức thi THPT quốc gia cũng sẽ ổn định đến năm 2020, Bộ GD và ĐT đang chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo.

Bộ GD và ĐT quan tâm chỉ đạo quyết liệt vấn đề chất lượng giáo dục ĐH. Do vậy, các cơ sở giáo dục ĐH phải minh bạch điều kiện bảo đảm chất lượng, chú trọng kiểm định chất lượng, bao gồm kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định trường… Trường nào chất lượng kém sau một thời gian không cải thiện được phải đóng cửa. Các trường ĐH phải cạnh tranh bình đẳng về chất lượng, tránh trường hợp có những “góc khuất, điểm tối”, tạo ra nghi ngờ trong xã hội về chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.

Để bảo đảm đúng lộ trình, bám sát các mốc thời gian theo các hướng dẫn quy chế thi và tuyển sinh, Bộ GD và ĐT yêu cầu các trường lưu ý các mốc thời gian: Ngày 22-7 công bố ngưỡng xét tuyển; ngày 9-8 công bố kết quả xét tuyển đợt 1; ngày 19-8 cập nhật danh sách nhập học.

Theo NDĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn