Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm vì 72.000 sinh viên thất nghiệp

Cập nhật ngày: 13/06/2014 05:49:47

Ngày 11/6, phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tập trung xoáy vào vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều mà một trong nguyên nhân chính là do chất lượng giáo dục đại học còn nhiều yếu kém; ồn ào về vụ đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) 34.000 tỷ đồng; đổi mới thi tốt nghiệp gây băn khoăn...


ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) chất vấn
 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Sẽ chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia “2 trong 1”

Theo ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014 vừa qua gây nhiều băn khoăn, việc cho phép học sinh tự chọn môn thi có thể làm cho học sinh học lệch. “Đến khi nào chỉ còn 1 kỳ thi và được tổ chức theo hình thức nào?”, ĐB đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trước đây thi tốt nghiệp 6 môn, cứ ngày 31-3 hàng năm thì bộ công bố các môn thi tốt nghiệp, khiến giáo viên, học sinh phải nôn nóng chờ đợi. Học sinh cũng sẽ đoán được năm nay thi môn này thì năm sau không thi môn khác nữa, vì vậy cũng là yếu tố để học sinh học lệch. Năm 2014, thi 4 môn, cho tự chọn 2 môn là muốn ngoài đánh giá được kiến thức phổ thông của học sinh, còn để các em gắn với định hướng nghề nghiệp của học sinh, phát huy được năng lực, sở trường của các em trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Tuy nhiên có thực tế năm nay là có những phòng thi chỉ 1 thí sinh, ngành giáo dục sẽ cân nhắc, tính toán. Nhưng chứng tỏ đã chuyển từ dạy và học theo số đông đã chuyển dần sang dạy và học để phát huy năng lực của học sinh. “Kỳ thi 2014 là đổi mới đầu tiên, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đánh giá, hoàn thiện. Việc đổi mới đều nhằm đến phát triển năng lực học sinh, nhưng không gây sốc. Kỳ thi năm nay nằm trong lộ trình tiến tới còn 1 kỳ thi quốc gia “2 trong 1”, vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét vào ĐH-CĐ. Bộ đã báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và tiếp tục hoàn thiện đề án, lấy ý kiến rộng rãi của dư luận”, Bộ trưởng khẳng định.

Cả ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) và ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đều chất vấn, một trong khâu yếu nhất của HS-SV Việt Nam là khả năng ngoại ngữ. Chính phủ đã có đề án dạy và học ngoại ngữ quốc gia với kinh phí rất lớn, vậy tại sao đổi mới thi tốt nghiệp THPT bộ lại cho phép học sinh thi tự chọn môn ngoại ngữ, làm lãng phí hàng ngàn tỷ đồng của đề án?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, chủ trương nhất quán là nâng cao trình độ ngoại ngữ của HS-SV. Nhưng thực tế cho thấy, cách dạy, học ngoại ngữ của HS-SV Việt Nam hiện nay không giống bất cứ quốc gia nào. “Học chủ yếu là ngữ pháp, học hết THPT cũng không nói được ngoại ngữ. Phát âm không chuẩn. Vì thế phải đổi mới cách dạy và học môn này. Dứt khoát chấm dứt tình trạng nhận bằng, chứng chỉ ngoại ngữ nhưng không sử dụng được. Trong khi chờ đổi mới thì chúng tôi không muốn tăng tốc việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường nữa, chờ đầy đủ các điều kiện để đổi mới thực sự môn này”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải thích.

Chưa đào tạo theo thị trường lao động

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) chất vấn, hiện có gần 72.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, hoặc phải làm trái nghề. “Mở đào tạo tràn lan các trường đại học, chỉ đào tạo các ngành hot, chủ yếu là khoa học nhân văn mà không quan tâm đến các ngành kỹ thuật cơ bản, đó có là nguyên nhân gây mất cân đối ngành nghề dẫn đến tình trạng 72.000 sinh viên thất nghiệp”, ĐB Thân Đức Nam thẳng thắn. Đây cũng là chất vấn của ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) khi hỏi Bộ trưởng: Trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, vấn đề việc làm liên quan nhiều yếu tố: cung - cầu thị trường, yếu tố nhân lực, thể chế... Ngành giáo dục liên quan đến phần cung. Trách nhiệm của bộ trong vấn đề sinh viên thiếu việc làm là ở chỗ, trong một thời gian dài giáo dục đại học chú trọng đến quy mô, số lượng mà chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện bảo đảm chất lượng. Các trường chủ yếu đào tạo theo cái mình có, chưa theo cái thị trường lao động cần... “Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chính trong việc để xảy ra yếu kém này”, Bộ trưởng thẳng thắn. Bộ trưởng cũng cho biết vừa qua, hàng loạt giải pháp đã được ngành giáo dục triển khai nhằm siết chặt việc đào tạo đại học, nâng cao chất lượng. “Để bảo đảm việc làm, liên quan đến vấn đề thị trường, thể chế, chúng tôi cùng Bộ LĐTB-XH đã cùng nhau để xử lý vấn đề cung đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của thị trường lao động. Triển khai Nghị quyết 29, Chính phủ cũng giao nhiều bộ, ngành thực hiện các đề án liên quan để giải bài toán này”, Bộ trưởng cho biết.

Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, Bộ trưởng nhận trách nhiệm là đáng quý nhưng chỉ là một phần. Vấn đề là xử lý như thế nào? Vậy Bộ trưởng xử lý những người có trách nhiệm liên quan ra sao khi để xảy ra tình trạng giáo dục đại học yếu kém, để 72.000 sinh viên thất nghiệp? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, xử lý trách nhiệm phải phân tích kỹ. “Mỗi năm có 400.000 người tốt nghiệp ĐH-CĐ. Trong 5 năm sẽ có 2 triệu. Nếu con số 72.000 sinh viên thất nghiệp là đúng thì tỷ lệ là 3,6%. Việc làm là vấn đề của thị trường lao động. Chúng ta chỉ khớp đào tạo và việc làm trong thời bao cấp, do có sự phân công. Khi thị trường lao động phát triển thì độ trễ, và sự không khớp giữa cung và cầu lao động là thực tế khách quan. Bộ GD-ĐT có trách nhiệm phải xử lý về nguồn cung, phải bảo đảm chất lượng hơn, cảnh báo ngành nghề rõ ràng hơn. Còn lại, phải là sự tham gia của cơ quan cung ứng nhân lực, các trung tâm dự báo nhân lực”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, tới đây sẽ hạn chế thành lập mới các trường ĐH-CĐ. Bộ cũng đã thông báo từ nay đến 2015 tạm dừng nhận hồ sơ xin thành lập trường ĐH-CĐ mới. “Các tỉnh ủy, UBND luôn tha thiết xin thành lập trường, nhưng mong các đồng chí hiểu, chia sẻ chủ trương của Chính phủ”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tranh thủ diễn đàn Quốc hội để nhắn nhủ các địa phương.

PHAN THẢO(SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn