Câu chuyện giáo dục
Cập nhật ngày: 07/12/2017 15:40:23
Nói nào ngay, được đi nước ngoài vài ba lần và cũng đôi ba lần có viết về câu chuyện giáo dục xứ người. Viết không phải để khen hay là chê, không phải để vọng ngoại rồi phán: “Bụt nhà không thiêng!”. Bản thân không phải là nhà quản trị giáo dục, không phải là nhà chuyên môn sư phạm, nên chỉ viết ở một góc nhìn cá nhân thôi. Viết là để giải tỏa, viết là để chia sẻ, viết là để cùng nhau suy nghĩ. Thay đổi trong đó có giáo dục là một xu thế thay đổi trên khắp hành tinh này. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đốt nóng mọi ngành, mọi lĩnh vực, mỗi con người rồi mà!
Hôm ở đất nước được mệnh danh là “Đảo quốc sư tử”, thật bất ngờ nghe vị Chủ tịch một tập đoàn lớn tự giới thiệu về mình một câu xanh rờn: “Tôi là sản phẩm của nền giáo dục Singapore”. Ủa, giáo dục Singapore là gì mà họ giới thiệu một cách tự hào đến vậy? Và nhớ lại, nhiều gia đình Việt đưa con em sang học ở đất nước này ngay từ bậc phổ thông, rồi nhiều trường học Singapore được mở ở đất nước mình. Vậy là, lờ mờ nhận ra hình như có điều gì đó hay hay của nền giáo dục đất nước mà ngày xưa gọi là “Tân Gia Ba”.
Thôi hổng biết thì vô hỏi “ông Google” vậy! Thì đây, người ta nhận xét rằng ở Singapore: “Dù ở bậc học nào, học sinh, sinh viên cũng đều được giảng dạy theo phương pháp khác biệt, chú trọng vào việc rèn luyện nhân cách, tư duy hơn là ép buộc học viên theo một khuôn mẫu nhất định”. Vậy là, có gì đó khác biệt với nền giáo dục “đúc khuôn” như nhiều chuyên gia nói về thực trạng giáo dục nước mình.
Buổi làm việc hôm đó có khoảng 20 doanh nghiệp trong Hiệp hội sản xuất Singapore (SMA). Và, tất cả các doanh nhân này đều xuất phát từ nền giáo dục “rèn luyện nhân cách” đó! Phải chăng, những kỹ năng sống, làm việc và hợp tác với nhau đã thấm đẫm trong họ từ nền giáo dục đó? Phải chăng, kỹ năng xử lý mối quan hệ giữa con người với cộng đồng đã ăn sâu vào tiềm thức của họ từ nền giáo dục đó? Phải chăng, khát vọng làm giàu cho bản thân và vì lòng tự hào dân tộc trong họ xuất phát từ nền giáo dục đó? Phải chăng, văn hóa ứng xử trong mỗi doanh nhân ngồi đối diện cũng là từ nền giáo dục đó?
Nhiều dấu hỏi được đặt ra nhưng rất tiếc chưa được sống trong nền giáo dục đó nên câu trả lời chắc chưa thật chính xác... Nhưng nhớ lại bốn trụ cột giáo dục của UNESCO là: “Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại; và Học để chung sống”, thì họ đã đi đúng con đường phổ quát của nhân loại rồi! Và, có phải nhờ vậy mà họ đã “hóa rồng”, đã thịnh vượng? Và, có phải nhờ vậy họ đã làm cho một đất nước diện tích chỉ bằng hòn đảo Phú Quốc của mình, dân số chỉ bằng gần 1/20 đất nước mình mà giờ thật sự sánh vai cùng các cường quốc năm châu, bốn biển?
Đi thăm một công ty khởi nghiệp trẻ mới thành lập năm 1999 đến nay thì đã niêm yết trên Thị trường chứng khoán New York. Họ chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến thành công là tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Họ nói về ý tưởng chỉ bằng thương mại điện tử, bằng công nghệ số để kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Kết quả là vừa mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, vừa mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vậy thì, tư duy của họ là gì? Là không còn tăng trưởng dựa trên sản xuất mà phải dựa trên nền kinh tế số rồi!
Lướt qua trên mạng thấy nước này, nước nọ người ta đã đưa các môn học về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào từ bậc học thấp nhất rồi. Họ đã hoạch định chiến lược giáo dục nhằm giúp học sinh có kiến thức và kỹ năng tính toán, vật lý, lập trình hoặc chế tạo người máy (robot), đảm bảo rằng học sinh sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp mới. Chúng ta đang đứng ở đâu và làm gì trong vòng xoáy của Cuộc cách mạng chưa có tiền lệ trong lịch sử này? Mình có đang đủng đa, đủng đỉnh không? Câu nói cửa miệng của khắp nơi trên thế giới hiện nay là đổi mới sáng tạo và xem đó là nền tảng cho sự bức phá. Muốn đổi mới sáng tạo thì phải nghĩ khác, làm khác. Và những cái khác đó không thể có được trong một nền giáo dục đúc khuôn.
Có ai đó nói rằng: Hãy chỉ cho tôi sản phẩm đầu ra thì tôi có thể đánh giá được quy trình sản xuất như thế nào? Vậy, sản phẩm của một nền giáo dục tiên tiến phải chăng là những con người thích ứng với sự thay đổi, là những con người có đầy đủ kỹ năng thích ứng với những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là những công dân toàn cầu???
Nhận định, đánh giá về một nền giáo dục có thể từ nhiều góc độ. Chỉ tiếp xúc vài mươi doanh nhân, vài nơi khởi nghiệp mà dường như thấy được nhiều điều, cảm xúc được nhiều điều. Rõ ràng, mỗi người trong chúng ta còn phải phấn đấu nhiều, sửa đổi nhiều nếu không muốn tụt hậu quá xa! Mỗi người hãy hành động bằng cách riêng của mình, không khéo chính chúng ta cũng lại đang tự đúc khuôn mình!
Xích Lô