Đào tạo nghề - tiêu chuẩn mới của thế giới

Cập nhật ngày: 21/05/2014 05:16:14

Nhân luồng đào tạo nhằm bảo đảm yêu cầu cân đối nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị cũng đã đặt chỉ tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh (HS) tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) chọn học nghề.

Việc phân luồng đào tạo không chỉ có ở Việt Nam mà thế giới thực hiện từ rất lâu và rất thành công, nhiều quốc gia đang áp dụng. Thủ tướng Anh David Cameron: “Tôi kêu gọi các chủ lao động, những người làm công tác đào tạo, các thành viên quốc hội cần tạo thêm nhiều cơ hội học nghề cho người trẻ tuổi. Tôi cam kết sẽ đưa hoạt động nghề trở thành một “tiêu chuẩn mới”. Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Tôi ước gì chúng tôi có ít đi các kỹ sư tài chính và có nhiều hơn các kỹ sư thực hành. Tôi tự hỏi tại sao điều đó lại có thể thực hiện được tại Đức chứ không phải tại Mỹ”. Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Trong giáo dục bậc đại học (ĐH), nước Nga đang chịu nhiều tổn thất do thiếu công nhân và chuyên gia lành nghề. Công tác dạy nghề tại Nga cần có tính cạnh tranh trên cấp độ toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển một hệ thống chứng chỉ nghề độc lập với ĐH và dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế”.

Về lý thuyết, phân luồng đào tạo mở ra cơ hội học nghề phù hợp với nhiều HS, tạo ra sự cần bằng về cung - cầu lao động, phù hợp với sự phát triển của thị trường lao động. Nếu không thực hiện tốt chủ trương phân luồng, sẽ đẩy một bộ phận HS yếu thế về học lực và hoàn cảnh có nhiều khả năng phải nghỉ học dẫn đến các hệ lụy trong xã hội hoặc họ phải tham gia lao động sản xuất mà không có tay nghề, công việc không ổn định, thu nhập thấp, không bảo đảm cuộc sống. Nhưng thực hiện chủ trương phân luồng đào tạo vừa qua chưa kiên định với quan điểm đặt ra ban đầu: vừa nâng cao chất lượng lao động vừa giải quyết mất cân bằng giữa “thầy và thợ” trong xã hội, thể hiện rõ nhất qua 2 việc:

- Phân luồng đào tạo mà mở rộng và khuyến khích HS THCS trượt trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 chuyển qua học hệ thường xuyên THPT (Việc này hiện hợp mong muốn của phụ huynh và HS bởi con em còn được học THPT và chỉ học 7 môn và ngành giáo dục giải quyết được tình trạng thừa thầy...).

- Cơ chế tuyển ĐH, cao đẳng (CĐ) độ khó theo chiều hướng giảm dần. Vậy thầy vẫn tăng nên thợ ở đâu ra để không thiếu.

Tại Hội thảo Phát triển khả năng khám phá - nghiên cứu khoa học cho HS, hướng đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tổ chức ngày 4/4/2014 tại TPHCM, TS.Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM nói: “HS đang bị “lùa” hết vào ĐH và ĐH trở thành trường phổ thông cấp 4. Trong khi ĐH phải là những người có khả năng khám phá và có tố chất nghiên cứu khoa học, nhưng thực tế cho thấy, chương trình đào tạo bậc phổ thông và của nhiều trường ĐH hiện nay quá nặng về lý thuyết hàn lâm, yếu về thực hành thí nghiệm. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường đều bị doanh nghiệp đánh giá thấp do mỏng về kiến thức, yếu về thực tế”.

Ở Việt Nam hiện nay trường trung cấp, CĐ nghề đều vô cùng khó khăn về công tác tuyển sinh, mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị không thiếu, nhiều trường còn thừa sức dạy nghề với chất lượng cao, nhưng người học còn quay lưng. Trung tâm Giới thiệu việc làm Đồng Tháp đang tiếp tục, kiên trì công tác hướng nghiệp phân luồng đào tạo và thực hiện mô hình dạy nghề gắn giải quyết việc làm. Hy vọng công tác phân luồng đào tạo sẽ dần đi vào quỹ đạo và đạt được mục tiêu trong tương lai.

Theo chúng tôi, HS tốt nghiệp THCS mà không có tố chất nghiên cứu khoa học và điều kiện nên vào học trung cấp nghề để làm thợ, sau đó vừa làm thợ vừa học dần lên CĐ, ĐH là cách làm lợi cả đôi đường, vừa góp phần giảm áp lực “thừa thầy thiếu thợ”, vừa giúp cho HS thực hiện được ước mơ, có tấm bằng ĐH, có việc làm ổn định. Vậy phân luồng đào tạo là giúp HS chọn hướng nghề nghiệp hợp lý, góp phần phát triển lực lượng lao động cân đối, có chất lượng tốt, là thực hiện “tiêu chuẩn mới” của thế giới.

Băng Sơn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn