E-learning, không gian học tập hấp dẫn tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 22/03/2019 16:51:47

ĐTO -  Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã mang đến nhiều trải nghiệm khác biệt trong giảng dạy và học tập tại nhiều trường đại học và cao đẳng của nước ta. Giảng đường truyền thống đang từng bước được thay thế bằng giảng đường thông minh. Với các phương pháp dạy học độc đáo, trực quan, sinh động, giảng đường thông minh đang xóa dần khoảng cách giữa thầy và trò chỉ còn bằng một cú click chuột.


Giảng viên thiết kế bài giảng trên hệ thống E-learning

Không gian học tập mở

Được triển khai thí điểm từ năm 2016, đến nay chương trình hỗ trợ dạy học E-learning (giáo dục trực tuyến) đã trở thành “người bạn thân thiết”, hỗ trợ tích cực cho việc dạy và học ở Trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) Đồng Tháp. E-learning đang dần biến những giảng đường truyền thống thành những giảng đường thông minh trong kỷ nguyên số.

Em Nguyễn Hoàng Khải - sinh viên ngành Bảo vệ thực vật, khóa 9, Trường CĐCĐ Đồng Tháp chia sẻ, phương pháp dạy và học ở trường hiện nay hiện đại hơn trước rất nhiều. Sinh viên có thể gửi bài tập thực hành cho thầy, cô ở bất kỳ nơi nào mà không cần đến gặp trực tiếp giảng viên, chỉ cần đăng nhập vào hệ thống E-learning của trường và cập nhật bài của mình là được. Một trong những trải nghiệm thú vị em ấn tượng nhất mà E - learning mang lại chính là không gian học tập mở. Thư viện số, diễn đàn trao đổi kiến thức giữa thầy và trò chính là nền tảng để sinh viên có thể chủ động trong việc trau dồi kiến thức, kỹ năng mềm trước khi ra trường.

Thầy Phan Quốc Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học, Trường CĐCĐ Đồng Tháp cho biết, E-learning là một phương pháp dạy học mới dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông. Với E-learning, việc học trở nên linh hoạt và tạo độ mở cho người học.

Ngoài các tiết học trên lớp, sinh viên có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Bên cạnh việc bổ sung thêm kiến thức chuyên ngành, E-learning còn là công cụ đắc lực giúp sinh viên có điều kiện tích lũy thêm nhiều kiến thức liên ngành, những kiến thức mà sinh viên quan tâm. Chỉ cần có một tài khoản trên hệ thống E-learning của trường, có máy tính hoặc điện thoại thông minh được kết nối mạng Internet, sinh viên có thể học tập, làm bài tập, bài kiểm tra mọi lúc, mọi nơi.


Hệ thống E-learning - trợ thủ đắc lực giúp thực hiện các bài thi và kiểm tra nhanh chóng, cho kết quả chính xác

Góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy

Theo đánh giá của nhiều giảng viên ở Trường CĐCĐ Đồng Tháp, so với phương pháp dạy cổ điển thì phương pháp học tập và giảng dạy thông qua hệ thống E-learning tạo được nhiều điểm khác biệt, hấp dẫn cho cả người dạy và người học. E-learning là phương thức học tập mang tính tương tác cao, sẽ hỗ trợ, bổ sung cho các phương thức đào tạo truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thầy Trịnh Xuân Việt - Trưởng Khoa Nông nghiệp, Thủy sản, Trường CĐCĐ Đồng Tháp chia sẻ: “E-learning thật sự là một môi trường học tập mở. Với những tiện ích của phương pháp này, tôi nhận thấy nhiều thế hệ sinh viên khoa nông nghiệp gần đây năng động hơn rất nhiều, các em có ý thức làm việc nhóm, tạo tính kết nối và kỹ năng tốt hơn. Đây là những kỹ năng quan trọng giúp các em thích ứng tốt hơn với môi trường làm việc chuyên nghiệp ở các doanh nghiệp sau này”.

Phương pháp E-learning được áp dụng và triển khai rộng rãi toàn trường đã giúp sinh viên thuận lợi hơn trong việc học tập, nghiên cứu. Bên cạnh đó, với nhiều giảng viên, phương pháp này thật sự là một trợ thủ đắc lực không thể thiếu trong công tác giảng dạy.

Nhiều giảng viên tại trường cho biết, từ ngày áp dụng phương pháp E-learning, các thầy cô tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức. Trước đây để kiểm tra lấy điểm giữa kỳ cho sinh viên, thầy cô phải bỏ ra nhiều thời gian để cho đề thi, chấm điểm, cập nhật điểm... thì hiện nay, các công đoạn này đều được thực hiện trên hệ thống E-learning.


Sinh viên ngành công nghệ thông tin thực hành và nộp bài tập trực tiếp qua hệ thống E-learning

Nhận định về hiệu quả mà phương pháp E-learning mang lại cũng như hướng mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin tại Trường CĐCĐ Đồng Tháp trong thời gian tới, thầy Phạm Quang Huy - Phó Hiệu trưởng Trường CĐCĐ Đồng Tháp cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Trường CĐCĐ Đồng Tháp luôn chủ trương khuyến khích các thầy cô và sinh viên tăng cường ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và học tập. Ngoài khai thác tối đa những tiện ích của E-learning thì các ứng dụng khác cũng mang lại sự tiện dụng và hiệu quả cho việc học của các em như: sử dụng ứng dụng Zalo trong việc học tiếng Anh, sử dụng Gmail... luôn được nhà trường khuyến khích.

Theo thầy Phạm Quang Huy, đích đến cuối cùng cho việc ứng dụng thành tựu công nghệ hỗ trợ trong công tác giáo dục tại trường là nhà trường mong muốn giúp sinh viên có nhiều cơ hội trau dồi và trang bị kiến thức. Nhà trường mong muốn các em vững vàng kiến thức chuyên môn cũng như có một bề dày về các kỹ năng mềm trước khi bước ra xã hội. Thời gian tới, Trường CĐCĐ Đồng Tháp sẽ thực hiện số hóa trên nhiều phương diện về quản lý giáo dục tại trường. Trường CĐCĐ Đồng Tháp hi vọng thông qua việc số hóa này, công tác vận hành guồng máy tại đơn vị sẽ thuận tiện, tiết kiệm được thời gian và chi phí hơn.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn