Học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện hay bắt buộc?

Cập nhật ngày: 14/08/2023 11:17:06

ĐTO - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014, có hiệu lực từ 1/1/2015, quy định rõ: BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, trong đó học sinh, sinh viên (HSSV) là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Với quan điểm công tác chăm lo sức khỏe Nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, để sớm hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, bên cạnh quy định BHYT là hình thức bắt buộc, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai BHYT. Trong đó, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng được nêu rõ: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, trong đó có đối tượng HSSV.

Tiếp theo đó, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng BHYT HSSV, đảm bảo đạt 100% HSSV tham gia BHYT; Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020, nhấn mạnh phải đẩy mạnh thực hiện BHYT HSSV. Theo đó, giao Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT HSSV.

Luật BHYT năm 2014 quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách HSSV tham gia BHYT. Về trách nhiệm thu BHYT của các trường học, Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT đã quy định: cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm/ lần nộp vào Quỹ BHYT.

Tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, HSSV. Mức trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bằng 5% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT (kể cả HSSV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác).

Từ những chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật nói trên, có thể thấy việc thực hiện BHYT HSSV đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, nằm trong chủ trương thực hiện BHYT toàn dân và mang tính bắt buộc.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn