Kiến tạo các mô hình câu lạc bộ hoạt động hữu ích góp phần bồi dưỡng và phát triển kỹ năng cho sinh viên

Cập nhật ngày: 28/02/2018 15:52:56

Từ kết quả khảo sát sơ bộ vị trí việc làm của cựu sinh viên (SV), chúng tôi nhận thấy SV có kỹ năng tốt luôn là những người thành đạt sau tốt nghiệp. Nhiều nhà giáo chia sẻ rằng để thành đạt trong công việc và cuộc sống, mỗi người cần có kiến thức vững vàng cùng với nhiều kỹ năng phù hợp. Đó là những điều kiện cần và đủ. Ngay từ những năm tháng ở giảng đường đại học, bồi dưỡng và rèn luyện kỹ năng giúp SV có thể rút ngắn khoảng cách từ biết, hiểu đến làm việc hiệu quả cao. Bên cạnh những điều kiện cần thiết khác, công tác này đòi hỏi phải có những mô hình câu lạc bộ (CLB) hoạt động sáng tạo và thiết thực dành cho SV, cùng với các giải pháp khả thi và đồng bộ.


Buổi chia sẻ với chủ đề “Smartphone, facebook và sinh viên” của CLB Đọc sách Trường Đại học Đồng Tháp

Chính từ đề xuất của các bạn SV, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều kỹ năng khác nhau mà người học cần được rèn luyện, bồi dưỡng và phát triển. Trong bài viết này, chúng tôi quan tâm nhiều các kỹ năng chủ yếu và mang tính tương đối, như sau: Kỹ năng tư duy tích cực, kỹ năng học tập và nghiên cứu, kỹ năng về tin học và ngoại ngữ, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng đọc sách, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chăm sóc bản thân, kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm, kỹ năng tìm kiếm và sàng lọc thông tin, kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc, kỹ năng nắm bắt và giải quyết vấn đề, kỹ năng sáng tạo và mạo hiểm, kỹ năng vượt khó, kỹ năng quản lý (quản lý bản thân, thời gian, tiền bạc, công việc, nhóm, rủi ro, sự thay đổi...), kỹ năng thích ứng, kỹ năng công nghệ (sử dụng máy vi tính, điện thoại, máy chụp ảnh, sử dụng e-mail, mạng xã hội...), kỹ năng khởi nghiệp và “kỹ năng rèn luyện - nuôi dưỡng các kỹ năng”.

Trong thời gian qua, Trường Đại học Đồng Tháp có nhiều mô hình các CLB của SV hoạt động hiệu quả, thiết thực như: CLB Kỹ năng và Tình nguyện, CLB SV khởi nghiệp, CLB Vườn ươm khởi nghiệp, CLB Best Seller, CLB Đọc sách và Không gian sách, CLB Văn học và Sáng tác trẻ; CLB SV nghiên cứu khoa học, CLB Chung sức, CLB Bảo tồn di sản, CLB Truyền thông – Sự kiện, CLB SV 5 tốt, cùng nhiều CLB học thuật khác hoạt động hiệu quả ở các khoa. Từ những mô hình này, để tiếp tục góp phần rèn luyện, bồi dưỡng và phát triển kỹ năng cho người học, sự phối hợp đồng bộ từ phía nhà trường, giảng viên và SV có ý nghĩa quyết định, trong đó nhà trường là nhân tố giữ vai trò then chốt.

Các trường cần thành lập thêm các CLB, đội, nhóm kỹ năng và sở thích, các CLB văn nghệ, thể thao và CLB kỹ năng dành cho SV, đồng thời mở các lớp huấn luyện kỹ năng cho SV, tổ chức các cuộc thi về chủ điểm của các kỹ năng... Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi đề xuất thành lập các CLB theo nguyện vọng của người học, nhưng có định hướng, có mục đích và chương trình hoạt động cụ thể. Người viết đề xuất “tên” một số CLB có thể thành lập mới là: CLB Nhà quản lý trẻ, CLB 4.0, CLB Doanh nhân tương lai, CLB Nhà giáo tương lai, CLB Kỹ năng sống, CLB Kết nối, CLB Chia sẻ, CLB Điền dã, CLB 3B (viết tắt của các cụm từ Better skills, Better jobs, Better lives: Kỹ năng tốt hơn, Công việc tốt hơn, Cuộc sống tốt hơn)...

Song song đó, các trường cần đầu tư nhiều hơn cho công tác kết nối doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ quan, đơn vị (cần thiết có thể thành lập bộ phận chuyên trách hoặc bán chuyên trách công tác này); tăng cường mời giảng đối với các chủ doanh nghiệp, các cá nhân thành đạt... để giảng dạy, hướng dẫn các chuyên đề tự chọn và mang tính thực tiễn cho SV; tạo điều kiện để nhà tuyển dụng có thể cộng tác với tư cách “là một khâu” trong quy trình đào tạo. Làm được điều này, các trường sẽ vừa có thể liên kết, phối hợp công tác, vừa có thể tạo điều kiện cho SV tiếp cận với cơ hội việc làm sau khi ra trường, cơ hội thực hành nghề, có công việc làm bán thời gian, tìm kiếm học bổng và nguồn hỗ trợ đào tạo..., qua đó góp phần rất lớn trong công tác hỗ trợ rèn luyện kỹ năng cho người học.

Một số đơn vị và trường đại học đã áp dụng việc giao cho SV tự đứng ra tổ chức một số hoạt động, kết quả cho thấy các bạn trưởng thành lên rất nhiều do các bạn tự rèn luyện được công tác lập kế hoạch, tổ chức, thể hiện, kết hợp lý thuyết và thực tiễn, hiểu được sự phức tạp trong đời sống và công việc thực tế, từ đó tích lũy kinh nghiệm sống và kỹ năng tốt cho mình. Có thể việc thử nghiệm trao quyền chủ động cho SV tổ chức một số hoạt động là một quyết định có tính rủi ro nhưng thật sự đáng giá.

Chúng tôi nghĩ rằng: Khi được trao cho cơ hội và niềm tin, các bạn SV nhất định sẽ phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo và nỗ lực hết mình để mang lại kết quả tốt nhất. Điều quan trọng hơn, thành quả mà nhà trường thu được sẽ là sự trưởng thành thực thụ của một thế hệ SV, góp phần khẳng định chất lượng và thương hiệu đào tạo của nhà trường.

  NGUYỄN VĂN NGHIÊM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn