Liên kết đào tạo - cơ hội cho người học

Cập nhật ngày: 08/01/2016 13:35:22

Từ năm 2010 đến nay, các trường, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm dạy nghề trong tỉnh đã liên kết đào tạo hơn 12 ngành nghề, với trình độ trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH), thu hút gần 2.000 sinh viên tham gia học. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu như: văn thư lưu trữ, kế toán, điều dưỡng, hộ sinh, thông tin - thư viện, giáo viên... Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hình thức liên kết đào tạo tập trung vào hệ vừa học, vừa làm, liên thông dần đáp ứng nhu cầu học tập của người học.


Học sinh Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên Hồng Ngự tham gia sinh hoạt ngoại khóa

UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tạo điều kiện cho các trường, trung tâm liên kết đào tạo hệ ĐH, CĐ, TC; đơn giản các thủ tục, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo. Trường Trung cấp nghề - Giáo dục thường xuyên Hồng Ngự sau sáp nhập tạo thuận lợi cho công tác tư vấn tuyển sinh, đào tạo nghề... Trường liên kết với Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Trường THPT Chu Văn An mở 3 lớp TC nghề kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính với 109 học sinh theo học; liên kết với Trung tâm Liên kết đào tạo Trường Đại học Cần Thơ mở 1 lớp cử nhân Luật, (192 sinh viên); 1 lớp Cử nhân Kế toán (76 sinh viên) (hệ đào tạo từ xa). Ngoài ra, trường còn liên kết với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long mở 1 lớp ĐH Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử cho 32 sinh viên hệ vừa học, vừa làm. Theo Ban giám hiệu trường, công tác liên kết đào tạo được Sở GD&ĐT, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, nên cơ sở vật chất được đầu tư đúng chuẩn, trang thiết bị được mua sắm, bổ sung hàng năm, có phòng học lý thuyết hiện đại đảm bảo việc học tập, giảng dạy. Nhà trường chọn liên kết với trường CĐ, ĐH có uy tín với đội ngũ giảng viên đạt chuẩn, thu hút nhiều đối tượng tham gia học tập.

Trung tâm Dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Tam Nông là nơi thuận lợi cho học viên ở các huyện: Thanh Bình, Tân Hồng, Hồng Ngự, Tháp Mười đến học. Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm đã mở 3 lớp liên kết đào tạo có hơn 100 học viên theo học. Ngoài bố trí nơi học, Trung tâm còn bố trí nơi nghỉ trưa cho học viên ở xa. Giảm bớt áp lực học phí cho học viên, Trung tâm chia nhỏ tiền học phí để học viên đóng thuận tiện hơn...

Việc liên kết đào tạo tại các huyện, thị xã xa trung tâm được xem là cơ hội tốt để người học cập nhật kiến thức, hoàn thiện chuyên môn, phục vụ tốt hơn trong công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại trong suốt quá trình học tập. Trước nhu cầu học tập, bổ sung kiến thức, Sở GD&ĐT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã phối hợp trong hoạt động tư vấn, tuyển sinh, đào tạo nghề tại các đơn vị trường trong tỉnh; chủ động liên kết với các trường có thương hiệu, uy tín đảm bảo chuẩn đầu ra;...

Bên cạnh những thuận lợi, một số đơn vị cũng đề xuất việc thông tin tuyển dụng các ngành nghề cần nhanh hơn; hàng năm, Sở GD&ĐT, Sở LĐ,TB&XH tổ chức hội thảo liên kết đào tạo để nâng cao chất lượng quản lý liên kết đào tạo tại địa phương; đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các ngành nghề...

C.Phương

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn