Nâng bước những ước mơ

Cập nhật ngày: 20/11/2013 05:09:17

Thông thường ở một lớp học có 3 học sinh (HS) có học lực yếu, giáo viên (GV) đã thấy lo. Nhưng với các thầy, cô giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Kỹ thuật hướng nghiệp (GDTX&KTHN) tỉnh, một lớp học có nhiều HS yếu, kém, cá biệt là chuyện rất bình thường. Ngoài ra, thầy cô còn đối mặt với HS nghỉ học, trốn học, nói chuyện, ngủ gục trong giờ học, thậm chí xé bài kiểm tra...


Hình ảnh gần gũi của cô trò Trung tâm Giáo dục
Thường xuyên và Kỹ thuật hướng nghiệp tỉnh

Ba năm trôi qua, cô Nguyễn Hồ Diễm Phụng - GV môn Văn, còn nhớ kỉ niệm về lớp 10S4 mà cô chủ nhiệm khi mới về Trung tâm công tác năm đầu tiên. Khi đó, lớp 10S4 có 34 HS, chỉ có 3 HS học khá, còn lại là trung bình - yếu (Ban cán sự lớp có 3 em, có 2 em là HS lưu ban). Có hôm, cô kiểm tra, không HS nào thuộc bài, có khi các em tự ý nghỉ học đi chơi, thậm chí còn vô lễ với cô giáo. Những tháng đầu, cô đã nghĩ đến chuyện chuyển sang tìm việc nơi khác. Thế nhưng, trong những lần trò chuyện cùng HS, cô nhận ra rằng, không thể lấy quy định, quy chế để giáo dục các em, buộc các em thực hiện theo nề nếp.

Cô gần gũi, chia sẻ với các em và hiểu được rằng hơn 50% HS trong lớp cô đang chủ nhiệm có hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, mồ côi. Các em sống với người thân, thiếu sự quan tâm từ phía người lớn, những thành viên trong gia đình. Không có sự đồng cảm, quan tâm nên nhiều em trở nên quậy phá, hay cúp tiết, không thiết tha chuyện học. Và, cô Phụng nhận ra rằng, mình phải dạy chậm, bài giảng phải ngắn, gọn, dễ hiểu, quan tâm, động viên, chia sẻ các em nhiều hơn. Kết quả cuối năm, học lực các em có chuyển biến.

Cô Bùi Thụy Ngọc Hân - GV môn Địa Lý cũng đã 3 năm gắn bó với học trò chưa ngoan. Lớp cô Hân chủ nhiệm cũng là lớp có nhiều HS cá biệt, cô thường đến gia đình tìm hiểu hoàn cảnh các em. Năm học 2011-2012, cô chủ nhiệm lớp 12S1, đây là lớp có học trò quậy nổi tiếng, lớp có 15/40 HS cá biệt (thường cúp tiết, đánh nhau, chửi thề, vô lễ với thầy cô); nhiều em không chỉ quậy phá mà còn học yếu. Qua tìm hiểu, biết được các em bị mất căn bản nên không thích học, từ đó cô động viên các em cùng nhau cố gắng. Kết quả cuối năm, lớp 12S1 có 35 em đủ điều kiện thi tốt nghiệp và đều đỗ tốt nghiệp.

Nói về những thầy cô giáo của mình, HS của Trung tâm GDTX&KTHN luôn dành những sự kính trọng, quý mến. Hơn ai hết các em cảm nhận được tình cảm yêu thương của thầy cô dành cho mình. Em Nguyễn Như Bình - HS lớp 11S1 chia sẻ: “Năm lớp 10, cô Trà Giang chủ nhiệm lớp em, cô là người hiền lành, gần gũi, chia sẻ với chúng em. Trước đây, khi nhà trường chưa dạy tăng tiết, buổi chiều cô hay tập hợp chúng em lại và phân thành nhiều nhóm ôn bài hoặc cô dò bài, giảng giải bài cho tụi em hiểu. Những lúc buồn em hay chia sẻ với cô, được cô động viên giúp đỡ. Cô như một người chị thân thiết của em...”.

Trong số học trò của cô Giang, Như Bình không may mắn như bao bạn khác, cha mẹ ly hôn khi em còn nhỏ, hiện sống với bà ngoại và dì. Cuộc sống có nhiều điều xảy đến, có lúc Bình đòi bỏ nhà đi, em tìm đến nhà cô giáo, được cô cưu mang, động viên, em trở về gia đình, tiếp tục việc học.

Học trò chưa ngoan, thầy cô sẽ dạy cho các em ngoan, học lực chưa tốt thầy cô sẽ hướng dẫn, tìm cách để các em tốt hơn. Những nỗ lực vất vả của giáo viên được Ban giám đốc Trung tâm ghi nhận, khen thưởng khích lệ trong mỗi năm học.

Với các thế hệ học trò, những câu chuyện cảm động, hình ảnh tốt đẹp về thầy cô được các em lưu giữ, các em mang theo đến suốt cuộc đời, trở thành động lực để các em vươn lên trong cuộc sống. Thực tế có những em nổi tiếng quậy phá, giờ trở thành những người có ích cho xã hội, đang làm việc tại Singapore, Bình Dương, TPHCM... Và, các em thường xuyên gọi điện thoại hoặc trực tiếp thăm hỏi, cám ơn thầy cô, vì nếu không có họ, các em đã sớm gục ngã, từ bỏ ước mơ của mình.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn