Những ngôi trường “3 không”

Cập nhật ngày: 28/10/2013 04:50:44

Đó là những ngôi trường không có sân chơi, không nhà vệ sinh và không hàng rào. Vào giờ chơi các em học sinh (HS) không có chỗ chạy nhảy, nô đùa, đi đứng luôn dè chừng sợ té. Thực trạng này đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, tước mất những kỷ niệm hồn nhiên và đẹp đẽ nhất của tuổi học trò…


Hành lang là nơi vui chơi của học sinh điểm Trường Tân Hòa Thuận
thuộc Trường Tiểu học Tân Hội 1

Rình rập những hiểm nguy tại trường

Phải quanh co nhiều ngõ ngách ngoằn ngoèo mới đến được 2 phòng học ở ấp Tân Hòa Thuận - Điểm phụ thuộc Trường Tiểu học (TH) Tân Hội 1- xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự. Đây là điểm trường xây dựng theo hình thức vượt lũ; có 3 lớp học với hơn 50 HS. Mọi hoạt động của thầy và trò chỉ gói gọn trong 2 phòng học, bởi xung quanh là đất của người dân. Ngay cả đoạn đường vào trường (dài 6m) cũng đi nhờ phần đất của người dân.

Đoạn đường dốc đứng, HS “leo núi” mới vào được lớp học. Giờ ra chơi, hàng chục HS đổ ra dãy hành lang chật chội, cách mặt đất khoảng 3m. Thầy cô phải túc trực để trông chừng các em vì ở tuổi tiểu học các em rất hiếu động, thích vui chơi, chạy nhảy trong khi phòng học cao và gần đường giao thông nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Trường TH An Phong 1 thuộc xã An Phong, huyện Thanh Bình có điểm Trường Láng Ấu với 7 lớp học, gần 200 HS. Mùa lũ về, ngôi trường trên sàn này nằm trơ trọi giữa biển nước mênh mông. Chỉ cần vô ý một chút là HS sẽ rơi xuống nước và hậu quả thì khó lường được. Con đường vào trường rộng khoảng 1m, qua bao lần bồi đắp vẫn chưa thoát cảnh ngập nước.

Thầy Huỳnh Văn Mộng - Hiệu trưởng Trường TH An Phong 1 cho hay: “Năm 2011, từ nguồn đóng góp của các mạnh thường quân (20 triệu đồng), nhà trường tiến hành bơm cát, san lấp phần nền nhưng không thấm vào đâu. Mọi hoạt động của hàng trăm HS vẫn bó buộc trong phòng học và hành lang. Để có nơi cho các em học thể dục đã khó, đừng nói chi tới sân chơi”.

Trường TH Thạnh Lợi (xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười) cũng không khả quan hơn. Phía trước trường là 2 hố nước sâu gần 2m. Nhà trường vận động phụ huynh HS và giáo viên xây dựng hàng rào xung quanh hồ. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên hàng rào cũng chỉ mang tính tượng trưng, khó lòng bảo vệ được HS. Việc giáo dục, nhắc nhở vẫn là chính.


Phía trước Trường Tiểu học Thạnh Lợi là hố nước khá sâu

Anh Ngô Tố Nhân - phụ huynh có con học Trường TH Thạnh Lợi cho biết, phía trước trường không có sân mà là những hồ nước sâu. Con anh không biết bơi nên anh bỏ thời gian đưa rước con đi học cho an tâm. Đặc biệt, giáo viên ở các điểm Trường Tân Hòa Thuận, Láng Ấu và Trường TH Thạnh Lợi phải kiêm nhiệm vụ “canh giữ” học trò mỗi giờ ra chơi.

Và những ngôi trường “3 không”

Thầy Nguyễn Văn Đậm, hơn 10 năm giảng dạy tại điểm Trường Tân Hòa Thuận cho biết: “HS ở đây không có sân chơi. Các em chỉ quanh quẩn trong lớp học hay ra hành lang rộng chưa tới 20m2. Xung quanh phòng học rất mất vệ sinh nhưng do là đất của người dân nên nhà trường rất khó can thiệp. Ngoài không có sân chơi, bãi tập thì các công trình phụ như hàng rào, nhà vệ sinh... trường cũng không có”.

Cũng tại xã Tân Hội (thị xã Hồng Ngự), điểm trường Mộc Rá thuộc Trường TH Tân Hội có “sân trường” là đoạn đường dẫn vào trường, rộng chưa tới 30m2. Giờ ra chơi, HS từ các phòng học túa ra khoảng “sân” nhỏ hẹp khiến người ta có cảm giác HS đang chen chúc nhau đi “trẩy hội”. Một HS lựa chỗ trống để nhảy dây nhưng nhảy được bước thứ ba thì dây quàng vào đầu bạn khác. Vài em căng một đoạn dây ngắn nhưng chờ mãi vẫn không có chỗ lấy đà nhảy. Chưa kịp chơi trò nào cho trọn vẹn thì giờ chơi đã hết.

“Con thích chơi “năm mười” nhất nhưng ở trường con chẳng có chỗ nào để chơi. Có bữa phải chơi trong phòng học” - Nguyễn Thị Mỹ Ngọc - HS lớp 5B Trường TH Tân Hội (điểm Mộc Rá) than thở.

Điểm trường sàn Mộc Rá cao khoảng 3m. Phía dưới là một “ao tù” - nơi tập kết rác thải, nước thải của các hộ dân xung quanh. Nhiều lần Ban Giám hiệu nhà trường đã nhắc nhở và báo với chính quyền địa phương nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. “Để hạn chế tình trạng ô nhiễm chỉ còn cách bơm cát, san lắp mặt bằng. Nhưng do ao quá sâu và rộng nên tiền san lấp không nhỏ. Đến nay trường vẫn chưa thực hiện được” - Thầy Phan Văn Khanh, Phó Hiệu trưởng Trường TH Tân Hội cho biết.

Không gian vui chơi và học môn thể dục của trên 250 HS Trường TH Thạnh Lợi cũng là con đường đan dài hơn 30m và rộng chỉ 2m mới được xây dựng gần đây. Còn những hoạt động vui chơi của HS cần diện tích rộng chỉ là ước mơ của nhà trường. Điểm Trường Tân Hòa Thuận và Láng Ấu còn đáng buồn hơn: tất cả hoạt động (vui chơi, học thể dục) của HS điểm Trường Tân Hòa Thuận đều diễn ra tại phòng học.

Thầy Lê Ngọc Ẩn - GV dạy thể dục Trường TH Thạnh Lợi, nói: “Do không có sân chơi, bãi tập nên trong quá trình giảng dạy không thể theo đúng thiết kế bài giảng, cũng không thể tổ chức những trò chơi vận động lớn cho HS. Một số môn thể thao như bóng đá, bóng ném... chưa thể dạy được dù HS rất thích”.

Một năm học có khá nhiều chủ đề cần tổ chức thành những hoạt động ngoại khóa cho HS vui chơi như: ngày hội tuổi thơ, đêm hội trăng rằm... Thế nhưng với điều kiện như trên, nhiều trường không thể tổ chức. Không những thế, nói như thầy Nguyễn Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hội 1: “Sân trường không có. Các em HS vốn hiếu động, thích chạy nhảy nhưng bị “buộc chân”. Chúng tôi không dám tổ chức các câu lạc bộ thể dục thể thao vì nếu tổ chức sẽ hoạt động ở đâu? Chặng đường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn lắm gian nan”.

Thầy Huỳnh Thanh Vũ - Hiệu trưởng Trường TH Thạnh Lợi ưu tư: “Sân chơi đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với trẻ. Đó là nơi để trẻ xả stress sau những giờ học căng thẳng, nơi bồi bổ thể lực cho trẻ. Được vui chơi là nhu cầu bức thiết của HS, nhưng trường tôi sân chơi nhỏ quá (nếu không muốn nói là không có sân chơi). Nhiều hoạt động thuộc dạng lễ hội, chúng tôi không thể tổ chức được vì lực bất tòng tâm”.

Ngành chức năng nói gì?

Thực tế khó khăn của nghiều trường học trong tỉnh, lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh nhà đã thấy và mong sớm đầu tư xây dựng, đảm bảo về cơ sở vật chất. Song vấn đề nan giải là thiếu kinh phí. Trường TH Thạnh Lợi đã nhiều lần có văn bản đề nghị xây dựng nhà vệ sinh cho giáo viên và san lấp mặt bằng.

Ông Ngô Thanh Sang - Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Tháp Mười cho hay, Phòng GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch và cho thiết kế xây dựng thêm các phòng học, công trình phụ và san lấp mặt bằng từ nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp nhưng do thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về “Những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội” nên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh giãn tiến độ thi công nhiều công trình, trong đó có công trình Trường TH Thạnh Lợi.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Hồng Ngự thì việc trường học thiếu sân chơi sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, là thiệt thòi cho các em HS. Thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu với các cấp lãnh đạo, tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng trong thời gian sớm nhất.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng các trường học của chúng ta nghiêng về dạy chữ nên tập trung trong việc xây dựng phòng học, “quên” mất việc xây dựng sân chơi trong khi HS lứa tuổi từ 6-11 có nhu cầu vui chơi rất lớn. Nếu cứ như hiện tại, có thể HS sẽ bị “bêtông hóa”. Dần dần trẻ bị ức chế và chỉ biết làm theo người lớn, ngồi đâu ngồi yên ở đó, rất lười vận động. Các trường TH nên quan tâm tạo ra những góc vui chơi dành cho HS lớp 1, lớp 2 để các em không bỡ ngỡ khi từ lớp mẫu giáo chuyển lên.

Mặt khác, đó cũng là định hướng đúng đắn nhằm tạo môi trường “chơi mà học” cho HS. Bên cạnh đó, các trường cũng phải chú ý đến việc xây dựng sân chơi, trồng cây xanh, thảm cỏ... cho HS có dịp gần gũi với thiên nhiên. Chính những trò chơi hồn nhiên tuổi ấu thơ sẽ hun đúc cho trẻ tình yêu gia đình, yêu đất nước, nuôi dưỡng khát vọng học hành thành tài.

D.Chinh - N.An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn