Sau Tết, ngành giáo dục và đào tạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Cập nhật ngày: 24/02/2021 10:37:27

ĐTO - Đón học sinh (HS) trở lại trường sau thời gian nghỉ Tết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã tham mưu và triển khai toàn ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, không chỉ yêu cầu nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động, HS nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K, toàn ngành còn chú trọng theo dõi, cập nhật việc nhà giáo, cán bộ quản lý, HS, học viên đi qua, trở về từ các địa phương ngoài tỉnh.


Học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Lựu đeo khẩu trang và rửa tay theo khuyến cáo khi vào học

Sáng ngày 22/2, tại các điểm trường trong toàn tỉnh, HS đã trở lại trường, Ban giám hiệu nhà trường đã thực hiện các phương án phù hợp, cân đối thời gian, đảm bảo chương trình, không ảnh hưởng đến nội dung giảng dạy; tiến độ và chất lượng chương trình học, môn học... Theo đó, các điểm trường đều xây dựng kế hoạch về việc đón HS trở lại học. Đối với từng cấp học, các cơ sở giáo dục (CSGD), giáo viên (GV) truyền thông đến phụ huynh HS bằng hình thức phù hợp qua email, mạng xã hội, ứng dụng OTT (Viber, Zalo,...) các thông tin về phòng, chống dịch Covid-19, cách chăm sóc, bảo vệ trẻ, HS trong dịch bệnh,... Đồng thời áp dụng việc khử khuẩn, kiểm tra và khuyến cáo HS đeo khẩu trang khi đến trường và khi ra về. Các trường không tổ chức các hoạt động tập trung tại CSGD như chào cờ, sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, trải nghiệm... Toàn bộ GV, nhân viên, người quản lý, người lao động phải đeo khẩu trang khi đến trường, khi ra về, khi tiếp xúc với người đưa đón trẻ, HS. Các CSGD lắp đặt dụng cụ rửa tay, sát khuẩn như chậu rửa, xà phòng, dung dịch sát khuẩn trong khuôn viên trường.

Tại TP.Cao Lãnh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố, Phòng GD&ĐT TP.Cao Lãnh đã kiểm tra, giám sát các trường, tổ chức triển khai các trang thiết bị, dụng cụ phòng, chống dịch Covid-19 tại các trường với tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, nắm danh sách nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động, HS đi tham quan, du lịch ngoài tỉnh trong kỳ nghỉ Tết để thuận tiện trong việc điều tra dịch tễ khi cần thiết (đảm bảo tính bảo mật). Hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn TP.Cao Lãnh chịu trách nhiệm trước UBND TP.Cao Lãnh về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị. Đảm bảo an toàn cho HS sau thời gian nghỉ Tết, đón HS trong ngày đầu trở lại trường, Ban giám hiệu và GV Trường THCS Nguyễn Thị Lựu đã bố trí các bồn rửa tay, dung dịch rửa tay và có các thông tin hướng dẫn HS về quy trình rửa tay, thông tin về phòng, chống dịch bệnh để chủ động phòng ngừa...

Các điểm trường đều thực hiện theo khuyến cáo trong việc đón HS, tại Trường Tiểu học Chu Văn An, GV chủ nhiệm các lớp đã thông báo đến toàn thể phụ huynh HS và HS trên hệ thống Vn.Edu, nhân viên y tế của trường chuẩn bị dung dịch rửa tay, khẩu trang, giấy lau tay, đo thân nhiệt cho HS. GV chủ nhiệm, GV bộ môn trong mỗi buổi học đều hỏi thăm HS; nhắc nhở HS đeo khẩu trang xuyên suốt từ nhà đến trường, từ trường về nhà, khi ở chỗ đông người. Các thông tin tuyên truyền về dịch Covid-19 được tuyên truyền thường xuyên, liên tục, GV, nhân viên nếu có đi du lịch, về quê ra ngoài tỉnh hoặc đến các vùng dịch hay tiếp xúc với các ca nghi ngờ đều phải khai báo y tế (tuân thủ yếu tố bảo mật). Ban giám hiệu trường đã chỉ đạo mở 2 cổng để thuận tiện cho việc đưa, rước của phụ huynh HS; không thực hiện tiết chào cờ tại sân trường...

Ngay sau ngày học đầu tiên, đảm bảo an toàn cho sức khỏe HS và phòng, chống dịch Covid-19, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố cùng các đơn vị trường tiếp tục công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện đúng sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đề ra các phương án cụ thể trong toàn ngành, nếu dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian tạm nghỉ không đến trường kéo dài, toàn ngành sẽ dự kiến thực hiện phương án tổ chức dạy học như sau: đối với các CSGD Mầm non, tiếp tục truyền thông đến phụ huynh HS bằng hình thức phù hợp qua email, mạng xã hội, ứng dụng OTT (Viber, Zalo,...) các thông tin về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cách chăm sóc, bảo vệ trẻ trong dịch bệnh,... GV lựa chọn và hướng dẫn tổ chức những hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà để đạt yêu cầu đối với từng độ tuổi theo chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT. Đối với các CSGD Tiểu học, GV ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, giao bài tập rèn luyện cho HS bằng hình thức phù hợp: gửi email, gửi qua mạng xã hội hoặc các ứng dụng Viber, Zalo,... cho cha mẹ HS; riêng đối với lớp 1, GV chú ý nội dung giao việc để tránh tình trạng HS quên kiến thức.

Đối với các CSGD THCS, THPT và giáo dục thường xuyên sẽ chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị; tổ chức dạy học trực tuyến ở những đơn vị có điều kiện, nội dung dạy học thực hiện theo sắp xếp, điều chỉnh phù hợp, thuận tiện với thời gian học tập của HS, học viên, thông báo thời gian biểu cụ thể đến cha mẹ HS, học viên để hỗ trợ việc học tập của con em. Thủ trưởng các CSGD quản lý chặt chẽ kế hoạch dạy học và thời gian thực hiện của từng GV trong giai đoạn tổ chức dạy học trực tuyến. Ghi hình và đưa các tiết dạy học trực tuyến lên website của đơn vị để HS, học viên không có điều kiện học trực tuyến theo dõi lại, nắm nội dung bài học, đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình. Đối với phương án 3 (thời gian tạm nghỉ kéo dài trên 1 tháng) Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh Khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 và triển khai thực hiện.

C.P.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn