Sẽ đưa việc dạy thêm - học thêm đi vào nề nếp

Cập nhật ngày: 15/08/2012 07:26:18

Ngày 16/5/2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm - học thêm (DT-HT). Dựa trên văn bản này, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đóng góp của đông đảo Ban giám hiệu trường, UBND huyện, thị, thành phố cùng phụ huynh học sinh.

Dự thảo quy định về DT-HT trước khi tham mưu UBND ban hành quy định về DT-HT áp dụng trên địa bàn tỉnh. Đây không phải là vấn đề mới nhưng được rất nhiều người quan tâm. Có 9 ý kiến đóng góp từ các đơn vị, 20 ý kiến từ ngành, Phòng GD&ĐT, phụ huynh học sinh về vấn đề này.

Một số thay đổi về DT-HT

Dự thảo về quy định DT-HT quy định rõ: Việc DT-HT phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học; Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ DT-HT; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa. Các trường hợp không được dạy thêm: không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày; không dạy thêm đối với học sinh Tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức DT-HT ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Thời gian DT-HT trong ngày theo khung thời gian như sau: sáng từ 7 đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ, tối từ 18 giờ đến 21 giờ. Một tuần học sinh học thêm không quá 3 buổi, mỗi buổi không quá 90 phút. Địa điểm học phải đảm bảo an toàn cho người dạy và người học, xa các trục đường giao thông lớn. Phòng học thêm phải đảm bảo diện tích trung bình từ 1,10m2/học sinh trở lên, phải cách ly với nơi mua bán, sinh hoạt gia đình... Dự thảo cũng bổ sung về vấn đề dạy gia sư (là cha mẹ học sinh mời giáo viên về dạy kèm cặp từng học sinh) phải theo yêu cầu của gia đình, không phải loại hình DT-HT nhưng phải thực hiện theo các quy định.

Đề nghị siết chặt công tác quản lý

Nhiều ý kiến yêu cầu phải quy định rõ gia sư dạy kèm cặp bao nhiêu môn, tránh biến tướng là giáo viên rủ rê dẫn nguyên nhóm học sinh về nhà học sinh khác dạy. Trách nhiệm quản lý giáo viên sẽ được giao cho hiệu trưởng trường nơi giáo viên đang công tác. Nếu giáo viên đưa học sinh về nhà dạy thì hiệu trưởng trường phải quản lý, kiểm tra thường xuyên nội dung chương trình, nếu hiệu trưởng trường để giáo viên dạy thêm có sai phạm thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Giáo viên dạy thêm phải có giáo án, kế hoạch bài dạy để khi kiểm tra người dạy phải xuất trình được nội dung giảng dạy, điểm danh học sinh. Phải có hồ sơ đánh giá chất lượng của học sinh sau khi được DT-HT.

Hiện tại do phụ huynh ít có thời gian dạy dỗ con em, vì vậy cũng có ý kiến cho rằng nên cho học sinh học thêm ở cấp Tiểu học. Phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT lại cho rằng: “Không nên cho học sinh cấp Tiểu học học thêm vì hiện tại các em đang theo chương trình giảm tải, nội dung bài học khá nhẹ nhàng, hiện tại các em đã học 2 buổi thì không nên học thêm để tránh sự quá tải cho các em...”.

Đề cập điều này, ông Hồ Văn Thống - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Đối với cấp Tiểu học, xuất hiện tình trạng giáo viên 1 buổi dạy kiến thức, 1 buổi đem về nhà để dạy học sinh kỹ năng sống. Trong khi dạy nghệ thuật, bồi dưỡng kỹ năng sống là vấn đề phức tạp, vấn đề này phải được sự thống nhất, quản lý của hiệu trưởng. Nếu kiểm tra, phát hiện giáo viên vi phạm thì hiệu trưởng đó chịu trách nhiệm. Một số giáo viên còn dạy trước chương trình cho học sinh, khi có đoàn kiểm tra đến thì mang tập đi cất để trốn tránh, điều này không thể chấp nhận được, đây là vấn đề phải sớm được chấn chỉnh, nếu không sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ngành...”.

Có thể nói, DT-HT là một vấn đề rất được nhiều người quan tâm, nhưng điều mọi người quan tâm hơn cả là những biến tướng của việc DT-HT đã tạo nên những mặt trái của việc dạy và học trong thời gian qua. Việc UBND tỉnh, Sở GD&ĐT lấy ý kiến đóng góp về vấn đề này trước khi ban hành văn bản là một công việc tích cực, nhằm từng bước đưa hoạt động trên đi vào nề nếp.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn