Tháp Mười đạt nhiều kết quả trong “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”

Cập nhật ngày: 06/09/2018 06:05:05

ĐTO - Huyện Tháp Mười thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (gọi tắt là Nghị quyết số 29-NQ/TW), nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục và nhân dân trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực.

Quy mô trường lớp trên địa bàn huyện tiếp tục được quy hoạch đầu tư phát triển. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, học sinh bỏ học giảm, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, góp phần thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục của huyện và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.

Huyện thực hiện tốt việc đổi mới phương thức quản lý giáo dục theo hướng phân cấp hợp lý. Quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Phòng Giáo dục và Đào tạo; giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị, phân cấp quản lý rõ ràng, cụ thể về tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, miễn nhiệm, bãi nhiệm, thuyên chuyển...

Các cơ sở giáo dục được trang bị hệ thống máy vi tính, các phần mềm quản lý và dạy học. Hầu hết cán bộ quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết các thủ tục hành chính. Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Nội dung, chương trình đổi mới giáo dục được huyện tập trung thực hiện nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ, đặc biệt là các giải pháp giáo dục nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Toàn ngành thực hiện có hiệu quả đề án đổi mới phương pháp giảng dạy các môn khoa học xã hội trong trường phổ thông. Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo, trong đó tập trung nội dung đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi giáo viên cũng tự học, tự nghiên cứu cập nhật phương pháp mới nâng cao tay nghề; vận dụng các kỹ thuật dạy học tích cực, phương pháp dạy học trải nghiệm nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động học tập của học sinh...

Công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa được quan tâm thường xuyên, nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng nông thôn mới và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Mỗi năm, huyện đầu tư từ 2,5 – 3 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất trường học, bổ sung thêm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học.

Các trường dạy học theo hướng tinh giản, chắt lọc kiến thức cơ bản trong sách khoa theo hướng giảm tải, đảm bảo theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học; chú trọng việc dạy học tích hợp và thực hiện nội dung chương trình giáo dục địa phương theo quy định, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học theo hướng hiện đại, phát huy năng lực người học.

5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, hệ thống trường lớp của huyện Tháp Mười được hoàn thiện hơn, cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Đội ngũ nhà giáo không ngừng được kiện toàn và phát triển... Chất lượng giáo dục của huyện những năm qua luôn được đánh giá cao và xếp hạng thi đua trong tốp đầu của tỉnh.

Bên cạnh đó, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của huyện còn những hạn chế cần có giải pháp từ nhiều cấp, ngành liên quan. Đó là nguồn lực địa phương có hạn nên kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học chưa nhiều.

Một bộ phận học sinh chưa có điều kiện tìm hiểu về ngành, nghề mà xã hội có nhu cầu hoặc các em thuộc gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không tham gia học nghề mà lao động sớm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhận thức của một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa cao, còn chạy theo thành tích; đôi lúc giáo viên bị áp lực từ phía phụ huynh và nguyên tắc đánh giá nên triển khai thực hiện chủ trương đánh giá thực chất năng lực học sinh hiệu quả chưa cao. Do tâm lý phụ huynh muốn cho con tiếp tục học THPT và đậu các trường đại học lớn, những ngành nghề đang được chọn lựa nhiều, không cho con mình học nghề...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn