Thực hiện Nghị quyết số 33 của HĐND tỉnh
Chất lượng giáo dục các bậc học chuyển biến mạnh mẽ

Cập nhật ngày: 27/03/2013 06:10:07

Qua 2 năm thực hiện thực hiện Nghị quyết số 33 của HĐND tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011-2015 chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học được nâng lên rõ nét, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của cộng đồng xã hội cũng như đội ngũ nhà giáo đối với công tác giáo dục.


Năm 2012, tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi đi học đạt 76,85%

Đến năm 2012, tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ đạt 14,25%, tăng 0,15% so với năm 2010; huy động trẻ 3-5 tuổi đi học đạt 76,85% (tăng 5,75%) so với năm 2010; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,1% (tăng 2,8%) so với năm 2010. Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi các cấp: Tiểu học đạt 99,9% (tăng 0,3%); THCS đạt 87,34% (tăng 4,14%%); THPT đạt 50,58% (tăng 3,88%) so với năm 2010.

Quy mô học viên các lớp bổ túc văn hóa thuộc giáo dục thường xuyên tăng; số học viên theo học các lớp ngoại ngữ, tin học được nâng lên (năm 2012 là 1.704 học viên). Nhìn chung, các chỉ tiêu phát triển giáo dục đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó tỷ lệ học sinh trong độ tuổi mẫu giáo, THCS và THPT tăng cao so với năm 2010.

Công tác chăm sóc sức khỏe và nuôi dạy đối với bậc giáo dục mầm non được quan tâm. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giữ vững ở mức dưới 10%. Chương trình giáo dục mầm non mới triển khai thực hiện ở 100% đơn vị. Chương trình giáo dục trẻ 5 tuổi phát huy hiệu quả chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1.

Số trường tổ chức học 2 buổi/ngày thực hiện đạt 100%, tăng 7,30% so với năm 2010. Số trẻ được học bán trú tăng, chiếm 33,29% số cháu đến trường mầm non. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và dạy học đối với các trường mầm non được mở rộng, thực hiện đạt 100% cơ sở giáo dục mầm non, tăng 33 trường so với năm 2010.

Đối với giáo dục phổ thông, nội dung giảng dạy của bậc học thực hiện bám sát mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện, phương pháp dạy và học tích cực. Việc triển khai đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, tổ chức thi cử thực hiện nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất. Chất lượng hai mặt giáo dục học sinh các cấp học phổ thông qua 2 năm thực hiện đã có những tiến bộ rõ rệt, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực yếu-kém giảm và xếp loại học lực khá-giỏi tăng.

Cụ thể tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá giỏi: Tiểu học đạt 83,36% (tăng 12,1%), THCS đạt 56,32% (tăng 5,04%), THPT đạt 46,4% (tăng 13,13%) so với năm 2010. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và hiệu quả đào tạo các cấp học phổ thông được nâng lên. Số lượng học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng tăng theo từng năm.

Kết quả tham gia của học sinh tại các hội thi học sinh giỏi các môn văn hóa, năng khiếu, thể dục thể thao cấp Quốc gia, khu vực duy trì ở mức cao so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Việc triển khai kết hợp tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 để nâng cao chất lượng giáo dục và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đạt được kết quả nhất định. Công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông cho học sinh được các trường thực hiện tốt hơn.

Giữ vững được kết quả đạt chuẩn công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THPT được 2 đơn vị phường (thị xã Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh).

Bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng giáo dục phổ thông vẫn còn một số bất cập và yếu kém. Đáng chú ý là tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá-giỏi các cấp học đều tăng nhưng chưa vững chắc; tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp trung học vẫn còn cao, nguyên nhân là do học yếu; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học loại giỏi và đạt kết quả cao thi vào các trường đại học chưa nhiều.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn