TP Cao Lãnh xây dựng phong trào toàn dân tham gia học tập

Cập nhật ngày: 17/10/2023 05:22:35

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231017052334DT2-4.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, Thành ủy, UBND TP Cao Lãnh luôn quan tâm chỉ đạo kịp thời phong trào xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Qua đó, các tổ chức, cá nhân tích cực tuyên truyền, quán triệt chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đồng thời đẩy mạnh vận động người dân tham gia xây dựng các mô hình “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.


Cơ sở vật chất trường học trên địa bàn TP Cao Lãnh được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập

THÀNH PHỐ HỌC TẬP TOÀN CẦU

TP Cao Lãnh là thành phố thứ 2 của tỉnh Đồng Tháp (sau TP Sa Đéc) và là 1 trong 5 thành phố của cả nước được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của thành phố trong quá trình biến ước mơ học tập suốt đời cho tất cả mọi người trở thành hiện thực. Sau khi được vinh danh, UBND thành phố đã xây dựng, vận hành Đường sách TP Cao Lãnh tại Phường 1. Đây là đường sách thứ 5 của cả nước và là Đường sách đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tạo thêm một sản phẩm văn hóa độc đáo, một không gian văn hóa mở để tổ chức các hoạt động nhằm tạo thói quen, cổ vũ cho tri thức, văn hóa đọc đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân địa phương, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội và mang lại một diện mạo mới, nét đặc trưng cho thành phố.

UBND TP Cao Lãnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập đến năm 2030 với mục tiêu: có 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 90% các trường phổ thông triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 90% Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục; 60% công dân đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 100% xã, phường được công nhận danh hiệu “Cộng đồng học tập”; tiếp tục thực hiện nâng cao các tiêu chí thành phố học tập.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Cao Lãnh cho biết, được tham gia Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu sẽ giúp công dân thành phố có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới. TP Cao Lãnh đạt danh hiệu Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO sẽ nâng cao uy tín và sự công nhận của cộng đồng Quốc tế cũng như gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, sự thịnh vượng và phát triển bền vững của chính thành phố.


Đường sách TP Cao Lãnh cung cấp nhiều đầu sách, nâng cao văn hóa đọc

XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP

Hằng năm, Hội Khuyến học tham mưu UBND TP Cao Lãnh củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình đã thực hiện từ nhiều năm qua như: “Tổ dân phòng - Khuyến học”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ hiếu học”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”... Hội Khuyến học lồng ghép nội dung hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Bên cạnh đó, duy trì việc tổ chức các sự kiện tuyên truyền về học tập suốt đời trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Tháng khuyến học, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Gương sáng hiếu học; trao quà, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.

Việc thực hiện các mô hình học tập được Hội Khuyến học TP Cao Lãnh triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, phong phú, qua đó xuất hiện nhiều gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập tiêu biểu. Điển hình như dòng họ Lê ở xã Tân Thuận Tây được Hội Khuyến học tỉnh Đồng Tháp tuyên dương “Dòng họ học tập tiêu biểu”. Dòng họ Lê do ông Lê Phước Tánh ngụ ấp Tân Dân làm Chi hội trưởng. Ông Tánh nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập nên rất quan tâm đầu tư công tác khuyến học. Mỗi năm, dòng họ Lê hỗ trợ nhiều suất học bổng cho học sinh, sinh viên. Ông Lê Phước Tánh, chia sẻ: “Kinh tế gia đình ổn định nên tôi có suy nghĩ muốn làm việc gì đó có ích cho xã hội. Trong dòng họ Lê, cháu nào đạt thành tích cao trong học tập sẽ được thưởng cao để khích lệ tinh thần. Theo tôi, làm công tác khuyến học - khuyến tài không phải làm để lấy tiếng mà để làm gương trong gia đình và gương mẫu cho xã hội”.


Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Trà (xã Mỹ Trà) đến Thư viện đọc sách, nâng cao kiến thức

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chủ động phối hợp với Hội Khuyến học TP Cao Lãnh hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của các Tổ, Chi hội khuyến học các cấp. Đến nay, đã vận động thành lập và tổ chức hoạt động được các Hội, Chi hội khuyến học của các địa phương, cơ quan. Toàn thành phố đã xây dựng và công nhận được khoảng 9.530 gia đình hiếu học, 14 dòng họ khuyến học; tổ chức triển khai nhân rộng mô hình “Tổ dân phòng - Khuyến học”; có 15 Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã, phường đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng cho người dân trên địa bàn.

Để xây dựng xã hội học tập, TP Cao Lãnh tổ chức hình thức tuyên truyền phong phú trên phương tiện thông tin đại chúng, trong nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, khu dân cư; qua các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi đoàn, chi hội, tổ chức chính trị - xã hội. Việc tuyên truyền xây dựng xã hội học tập thông qua phong trào “Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học”, phát động phong trào “Đơn vị có các phong trào học tập tốt”, cộng đồng học tập; củng cố tổ chức Hội Khuyến học từ thành phố đến cơ sở. Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Cao Lãnh, các biện pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng thành phố học tập là việc huy động các nguồn lực xã hội ở trong và ngoài thành phố để xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất; củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục chính quy và không chính quy trên địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân và học sinh, sinh viên.


Ngành giáo dục TP Cao Lãnh chú trọng phát triển các môn năng khiếu cho học sinh

Theo UBND TP Cao Lãnh, để xây dựng thành phố học tập cho những năm tiếp theo, UBND thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn