Trải nghiệm thú vị với mô hình “Vườn rau trong trường học”

Cập nhật ngày: 02/01/2024 11:09:52

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240102111103DT4-4.mp3

 

ĐTO - Học tập và trải nghiệm là một trong những chương trình cải cách mới của ngành giáo dục hiện nay. Tại xã Long Thắng, huyện Lai Vung, Trường Tiểu học Long Thắng 1 đã thực hiện mô hình “Vườn rau trong trường học”. Mô hình không chỉ mang đến cho học sinh (HS) nhiều kiến thức, kỹ năng để vận dụng trong cuộc sống hằng ngày mà còn giúp các em biết trân quý sức lao động, yêu thiên nhiên và có thể giúp đỡ người khác.


Nhóm học sinh đang thu hoạch rau muống

Đến với Trường Tiểu học Long Thắng 1 (xã Long Thắng, huyện Lai Vung), chúng tôi rất bất ngờ với khoảng sân mướt xanh có nhiều loại rau được trồng xen lẫn nhau. Nào là rau muống, mồng tơi, ngò gai... đây là thành quả có được của các em sau hơn 3 tháng dày công chăm sóc. Qua sự hướng dẫn của giáo viên, từ khâu làm đất, gieo trồng, tưới nước hằng ngày, cho đến bắt sâu gây hại, làm cỏ để rau tươi tốt, đều được các em tự tay thực hiện. Dù tốn thời gian và công sức nhưng tất cả đều rất vui vì đó là thành quả mà chính các em đã tạo ra.

Lần đầu được trải nghiệm làm nông, em Phan Ngọc Đan Như - HS lớp 5/1 phấn khởi, chia sẻ: “Khi được giáo viên hướng dẫn em và các bạn rất hào hứng với công việc này. Mỗi lớp sẽ có 1 ô rau để trồng, các công đoạn sẽ được chia đều cho mỗi nhóm, từ xử lý đất trước khi gieo sạ đến chăm sóc, thu hoạch và bán. Sau đó sẽ thay đổi khi đến vụ rau khác”.

Các thầy, cô cho biết, vào giờ ra chơi, nơi thu hút các em nhất chính là khu vực trồng rau. Tận dụng thời gian giải lao, các em đến thăm và chăm sóc cho vườn rau của mình, mong chờ từng ngày để thu hoạch. Số tiền thu được khi bán rau sẽ gây quỹ để hỗ trợ những bạn HS khó khăn trong trường. Em Phan Hưng Thạnh - HS lớp 4/2, chia sẻ: “Việc trồng rau giúp em biết được làm nông rất vất vả. Bên cạnh đó, giúp em biết tiết kiệm hơn, đoàn kết với bạn bè và có thể giúp đỡ được các bạn HS có hoàn cảnh khó khăn trong trường”.

Giờ tan trường, nhiều phụ huynh không khỏi bất ngờ, xúc động khi thấy con, em mình có thể trồng rau và được trải nghiệm kỹ năng buôn bán ngoài giờ học. Số rau được trồng và thu hoạch từ mô hình sẽ bày ra bán trước cổng trường được phụ huynh nhiệt tình ủng hộ và bán hết rất nhanh. Chị Huỳnh Thị Quỳnh Giao - phụ huynh HS vui mừng kể: “Tôi thấy mô hình trồng rau xanh, sạch này rất hay, thông qua đó, giúp các em có thể rèn luyện bản thân, có ý thức trong lao động, biết quý trọng thành quả mà mình làm ra. Bên cạnh đó, giáo dục tinh thần “Tương thân, tương ái”, biết giúp đỡ những bạn khó khăn. Tôi thấy mô hình này nên được nhân rộng và lan tỏa nhiều hơn”.

Chia sẻ về việc thực hiện mô hình này, thầy Lê Thành Thích - Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Long Thắng 1, cho biết: “Mô hình này là hoạt động trải nghiệm thiết thực cho các em HS, các em sẽ tự tay làm đất, trồng rau, chăm sóc, thu hoạch và buôn bán. Tạo được sự liên kết giữa HS với HS, HS với giáo viên, giúp các em biết phân công lao động trong một quy trình. Đến thời điểm này các em đã thu hoạch được lứa rau sạch đầu tiên, tổng số tiền thu được là 1.925.000đồng. Số tiền này, các em sẽ gây quỹ tại lớp học của mình, để giúp đỡ cho HS nghèo”.


Các em học sinh trải nghiệm kỹ năng bán rau trước cổng trường cho phụ huynh ngoài giờ học (Ảnh: Đặng Thức)

Vườn rau của trường hiện có 10 ô để trồng rau, với diện tích khoảng 100m2, tương ứng với 10 lớp học từ khối 2 đến khối 5. So với mặt bằng chung, diện tích này khá hạn chế. Tuy nhiên, nhà trường đã có kế hoạch cải tạo, xây dựng thêm không gian trải nghiệm trong năm học tới. Thầy Nguyễn Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Thắng 1, cho biết: “Trong thời gian tới, nhà trường sẽ xây dựng thêm khu nhà lưới với diện tích 100m2 để trồng các loại rau thủy canh, dưa lưới để tất cả các em HS được học tập và trải nghiệm tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường và góp phần thành công Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018”.

Mô hình “Vườn rau trong trường học” là cách làm thiết thực, trải nghiệm thú vị giúp các em HS thực hành những kiến thức đã được học trong sách vở, vận dụng vào thực tế cuộc sống để tích lũy thêm nhiều kỹ năng sống hữu ích. Việc tự tay chạm vào các dụng cụ làm vườn, trồng cây, góp phần giúp các em hoàn thiện nhân cách, kỹ năng làm nông nghiệp tạo nên cảm xúc lành mạnh đối với mỗi HS.

THÁI DUY

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn