Trường Đại học Đồng Tháp - 15 năm hội nhập và phát triển

Cập nhật ngày: 10/01/2018 08:55:16

Cách nay tròn 15 năm, trước yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp được thành lập trên nền tảng Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Tháp theo Quyết định số 8/2003/QĐ-TTg ngày 10/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ.


NGƯT. PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp

Từ trường Đại học sư phạm đầu tiên của đồng bằng sông cửu long

Trường Đại học sư phạm (ĐHSP) Đồng Tháp là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đầu tiên với nhiều hệ đào tạo, nhiều cấp học của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là “sự hợp lưu”, tiếp nối truyền thống và thành tựu của các trường tiền thân: Trường Trung học sư phạm (SP) Đồng Tháp (được thành lập ngày 26/12/1975, trước yêu cầu thiết lập các trường đào tạo giáo viên phổ thông và mầm non, theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Thanh niên); Trường SP Cấp II Đồng Tháp (thành lập năm 1977, đến năm 1984 đổi tên thành Trường Cao đẳng SP Đồng Tháp); Trường SP Mẫu giáo Đồng Tháp (năm 1980); Trường Cán bộ Quản lý Đồng Tháp (năm 1985); Trường Cao đẳng SP Đồng Tháp (từ năm 1989, trên cơ sở hợp nhất các trường cao đẳng (CĐ) và chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp).

Đến trường đại học đa ngành đầu tiên của ĐBSCL được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục

Đến ngày 4/9/2008, Trường ĐHSP Đồng Tháp được đổi tên thành Trường Đại học (ĐH) Đồng Tháp - trường ĐH công lập, đào tạo đa ngành, đa hệ, nhiều cấp học trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Trường ĐH Đồng Tháp đào tạo đa ngành thuộc các lĩnh vực: SP, kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và nghệ thuật, với các trình độ: CĐ, ĐH và sau ĐH (hệ chính quy, vừa làm vừa học và liên thông); với sứ mệnh “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đa lĩnh vực, trong đó khoa học giáo dục (GD) và đào tạo giáo viên là nòng cốt, nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL”; tầm nhìn “Trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu có chất lượng, có uy tín ở vùng ĐBSCL; là một trong số trường ĐH đào tạo giáo viên chất lượng cao của Việt Nam”.

Đến ngày 8/9/2017, Trung tâm Kiểm định chất lượng GD - ĐH Quốc gia Hà Nội công bố quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng GD cho Trường ĐH Đồng Tháp, trường ĐH đầu tiên của vùng ĐBSCL được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GD theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Đồng thời, Trường ĐH Đồng Tháp được lựa chọn là một trong các cơ sở GD ĐH được Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dành cho viên chức giảng dạy trong các cơ sở GD công lập.


Quang cảnh Trường Đại học Đồng Tháp

Những cột mốc quan trọng của 15 năm hành trình tri thức

Đội ngũ giảng viên (GV) của trường phát triển ấn tượng cả số lượng, chất lượng và cơ cấu. Trường đang có 585 công chức, viên chức; 92% GV có trình độ sau ĐH; 4 phó giáo sư, 80 tiến sĩ, 299 thạc sĩ (79 nghiên cứu sinh), cùng với nhiều nhà khoa học, nhà giáo, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực tham gia giảng dạy, góp phần kiến tạo môi trường học thuật năng động với “chương trình đào tạo ẩn” mang ý nghĩa nền tảng - đó là văn hóa nhà trường. Đây là sự nỗ lực và thành công vượt bậc của tập thể, khi vào năm 2003, trường chỉ có 165 GV, với 21 người có trình độ sau ĐH.

Năm 2003 chỉ có 5 ngành đào tạo trình độ ĐH, đến nay trường đang có 6 chuyên ngành thạc sĩ (Quản lý GD, GD học Tiểu học, Ngôn ngữ Việt Nam, Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán, Hóa lý thuyết và Hóa lý, Lịch sử Việt Nam), 32 ngành đào tạo trình độ ĐH, với 8.000 học viên và sinh viên (SV) hệ chính quy; cùng với 3.600 SV hệ liên thông, vừa làm vừa học.

Qua 15 năm, trường có 1.016 đề tài khoa học và công nghệ, công bố 1.831 bài báo trên các Tạp chí khoa học có chỉ số ISSN, trong đó có 235 bài báo công bố trên Tạp chí khoa học quốc tế với 150 bài thuộc danh mục ISI. Về công tác truyền thông GD, trường nhận được sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, báo chí trong các hoạt động và sự kiện; hơn 1.500 tin, bài, phóng sự về trường được đăng tải trên báo in, báo điện tử và phát trên sóng truyền thanh, truyền hình.

Cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ dạy và học được chú trọng đầu tư, nâng cấp với hơn 1.200 máy tính kết nối internet; hệ thống giảng đường, phòng học được cải tạo và xây mới; môi trường sinh hoạt và nghiên cứu, học tập xanh - sạch - đẹp.

Trong nhiều năm liền, GV trẻ của Khoa SP Toán - Tin có công trình tiêu biểu của Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học. Nhiều SV đạt giải cao tại các kỳ thi Olympic Quốc gia, tài năng khoa học trẻ Việt Nam, giải thưởng Lương Văn Can; nhiều cựu SV các ngành SP đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi và viên phấn vàng; nhiều cựu SV các ngành ngoài SP thành đạt trên hành trình lập nghiệp, khởi nghiệp. Qua 15 năm hội nhập và phát triển, 1.060 SV ưu tú của trường đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các mô hình kiến tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, văn hóa đọc sách và kỹ năng SV thành lập, hoạt động có hiệu quả như: Câu lạc bộ (CLB) SV khởi nghiệp, CLB Vườn ươm khởi nghiệp, CLB Best Seller, CLB Đọc sách và Không gian sách, CLB Văn học và Sáng tác trẻ; CLB SV nghiên cứu khoa học, CLB Chung sức, CLB Kỹ năng và Tình nguyện, CLB Bảo tồn di sản, CLB Truyền thông - Sự kiện, cùng nhiều CLB học thuật khác ở các khoa.

Hướng đến tầm nhìn đồng hành với khát vọng Cửu Long

Trong thời gian tới, Trường ĐH Đồng Tháp tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá tiếp tục kiến tạo môi trường học thuật năng động, sáng tạo, nhân văn và khởi nghiệp, đó là: Nâng cao năng lực của trường về chất lượng đội ngũ, năng lực quản trị, cơ sở vật chất và thiết bị; tăng cường hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển chương trình đào tạo theo hướng đổi mới và sáng tạo; triển khai nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng; bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và phát triển kỹ năng cho người học. Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng bền vững trong trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành cơ sở GD đại học tự chủ. Phát triển kế hoạch chiến lược nhà trường đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đầu tư cho hoạt động tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nhà giáo cho giáo viên và GV. Đẩy mạnh hoạt động phục vụ cộng đồng, đầu tư có hiệu quả cho công tác truyền thông GD, quảng bá và giới thiệu hình ảnh nhà trường. Xây dựng và phát triển văn hóa đọc sách trong trường; kiến tạo và kết nối nguồn lực hỗ trợ phong trào SV khởi nghiệp. Thực hiện tái cấu trúc nhà trường để xây dựng bộ máy nhà trường tinh gọn và cơ chế quản trị linh hoạt, hiệu quả. Chuẩn bị các điều kiện hướng đến kiến tạo mô hình trường ĐH chia sẻ: kết nối với nhà tuyển dụng, doanh nghiệp và chuyên gia trong đào tạo nguồn nhân lực.


Trường Đại học Đồng Tháp đón nhận chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục

Lời tri ân

Đánh dấu hành trình 15 năm, Trường ĐH Đồng Tháp tri ân các cấp ủy Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, các Bộ, ban, ngành ở Trung ương đã quan tâm lãnh đạo, định hướng cho trường phát triển bền vững. Nhà trường tri ân sâu sắc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, nhất là tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh, thành phố đã đồng hành và ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ. Trân trọng và biết ơn cộng đồng các trường mầm non, phổ thông, trường chuyên nghiệp, trường CĐ, ĐH trong và ngoài nước; các cơ sở GD, công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã giúp đỡ, ủng hộ và chia sẻ.

Nhà trường luôn khắc ghi ân tình của các thế hệ lãnh đạo, đồng nghiệp, học viên, SV nhà trường qua các thời kỳ. “Ân tình” này mang giá trị truyền thống, kết tinh thành văn hóa của trường. Các thế hệ lãnh đạo, đồng nghiệp, học viên, SV trường qua các thời kỳ cho dù ở vị trí công tác khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, hay đang ở những địa phương khác nhau... nhưng vẫn luôn quan tâm, luôn dõi theo, giúp đỡ, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của mái nhà chung Trường ĐH Đồng Tháp.

Mỗi giải thưởng danh giá các bạn SV đạt được, mỗi công trình, bài báo khoa học được công bố, hay mỗi tân thạc sĩ, tân tiến sĩ bảo vệ thành công luận văn, luận án rồi trở về trường công tác... đều là niềm vui chung, sự tự hào chung của tập thể, hòa chung và được nhân lên từ niềm vui của mỗi cá nhân. “Chiếc nôi ươm mầm tri thức” vẫn cần mẫn làm việc, để kiến tạo tương lai cho thế hệ trẻ, gìn giữ và phát huy hệ giá trị cốt lõi: Coi trọng Chất lượng, Khuyến khích Sáng tạo, Thúc đẩy Hợp tác, Ủng hộ Trung thực, Đề cao Trách nhiệm.

NGUYỄN VĂN ĐỆ

(Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn