Trường học thay đổi với mạng xã hội
Cập nhật ngày: 14/02/2019 08:02:19
Nhiều năm trước đây, điện thoại di động (ĐTDĐ) hoàn toàn bị cấm hoặc sử dụng rất hạn chế tại các trường THCS và THPT. Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây, cùng với sự ảnh hưởng ồ ạt của các thiết bị thông tin thời 4.0, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã bắt đầu đổi mới tư duy quản lý với việc học sinh được sử dụng ĐTDĐ trong khuôn khổ cho phép, đồng thời đề ra những định hướng giúp học sinh có thói quen sử dụng phù hợp.
Điện thoại đi động đã là vật dụng phổ biến của học sinh phổ thông. ẢNH: HOÀNG HÙNG
Khi điện thoại di động trở thành “vật bất ly thân”
Mới đây, tại vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố năm học 2018-2019 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, đề tài “Hội chứng sợ thiếu điện thoại (Nomophobia) của học sinh THPT tại TPHCM: Thực trạng và giải pháp” do 2 học sinh Huỳnh Dương Phi Yến và Nguyễn Đặng Tuyết Nhi (Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5) đồng nghiên cứu đã xuất sắc vượt qua hàng trăm đề tài khác, giành giải nhất.
Huỳnh Dương Phi Yến cho biết, em đã chứng kiến nhiều bạn học sinh lén sử dụng ĐTDĐ trong giờ học. Khi bị giáo viên phát hiện và tịch thu, các bạn cảm thấy chới với, khó chịu, bứt rứt, thậm chí sợ hãi và tìm mọi cách để có thể tiếp tục sử dụng điện thoại.
Ở một nghiên cứu khác, nhóm học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh) đã tiến hành khảo sát hành vi sử dụng ĐTDĐ của học sinh tại 4 trường THPT ở TP.HCM gồm Trần Văn Giàu, Gia Định (quận Bình Thạnh), Nguyễn Văn Tăng (quận 9), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) và 2 trường THPT tại tỉnh Bình Dương gồm chuyên Hùng Vương và Nguyễn Đình Chiểu.
Kết quả cho thấy, có đến 90% học sinh nghiện sử dụng ĐTDĐ. Đáng chú ý, theo Trần Thị Hà My, học sinh lớp 11A12 Trường THPT Trần Văn Giàu - một trong 2 tác giả cùng thực hiện đề tài nghiên cứu, có đến 37,7% học sinh tại TPHCM và 41,2% học sinh tại Bình Dương sử dụng ĐTDĐ 5 - 6 giờ/ngày.
Với câu hỏi “Nếu tách bạn ra khỏi chiếc smartphone bạn sẽ cảm thấy như thế nào?”, chưa đến 10% học sinh trả lời cảm thấy thoải mái, bình thường. Còn lại đa số đều cho rằng sẽ bứt rứt, bồn chồn, khó chịu, hơn 30% học sinh cảm thấy hoảng sợ, hoang mang và bất an.
Hà My bày tỏ, từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra thực trạng ĐTDĐ không đơn thuần là một thiết bị công nghệ hỗ trợ thông thường nữa, mà đã trở nên gắn bó mật thiết với cuộc sống của các bạn học sinh. Đồng quan điểm, Huỳnh Tấn Phát, học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Văn Giàu, lý giải căn nguyên của nỗi sợ hãi và cảm giác bất an khi không có ĐTDĐ bên cạnh là do các bạn thấy thiếu thông tin, bị thụt lùi với thế giới, cảm nhận cuộc sống thật đơn điệu, ngột ngạt, trống rỗng, mất kết nối với các mối quan hệ xung quanh. Không chỉ tạo nên những hệ lụy nghiêm trọng về mặt tinh thần, hội chứng sợ thiếu điện thoại còn tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến hành vi của các bạn học sinh như nài nỉ, khóc lóc, thậm chí tìm đủ mọi cách để “cướp” lại điện thoại từ các thầy cô giáo.
Sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả
Trước ảnh hưởng to lớn của mạng xã hội, nhóm học sinh Nguyễn Ngọc Trâm Anh và Trần Đoàn Khánh Vân, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), đã xây dựng bộ cẩm nang sử dụng mạng xã hội hiệu quả. Cẩm nang gồm 5 chủ đề chính là: mục đích sử dụng, thời gian phù hợp, lợi ích và hướng sử dụng hiệu quả, lưu ý và tác hại, tạo màu sắc riêng cho bản thân. Hiện nay, quyển cẩm nang đã được phát miễn phí tại nhiều trường THCS trên địa bàn quận 1 và thu về những kết quả đáng khích lệ như có hơn 65% học sinh đánh giá thông điệp được truyền tải tốt, dễ hiểu, 51,9% học sinh cho rằng việc phát hành cẩm nang hiệu quả hơn so với tuyên truyền bằng tờ rơi, poster, thông báo chữ...
Một cách làm khác, nhóm học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu đã mạnh dạn triển khai ý tưởng “dùng Facebook định hướng Facebook” qua hình thức tạo lập một trang Facebook mới có tên gọi “Share everyday”. Qua trang thông tin này, những người sáng lập sẽ tổ chức nhiều hoạt động tương tác bổ ích và đầy ý nghĩa như tổ chức cuộc thi vẽ chủ đề Nomophobia (hội chứng sợ thiếu điện thoại). Hiện trang Facebook đã thu hút hơn 8.000 lượt người theo dõi và chia sẻ. Ngoài ra, nhóm tác giả còn phối hợp với đoàn trường tổ chức nhiều tiết học ngoại khóa và hoạt động ngoài nhà trường bổ ích để các bạn cùng tham gia, tất cả hoạt động đều được ghi hình và đăng tải lên kênh YouTube.
Ở góc độ khác, với mục đích quan tâm đến độ chính xác và tầm ảnh hưởng của thông tin trên mạng xã hội, nhóm học sinh Nguyễn Thị Quỳnh Như và Nguyễn Minh Quang, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, đề xuất giải pháp tổ chức mô hình game hóa trong các tiết rèn luyện kỹ năng xã hội (thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới).
Ngoài ra, nhóm cũng đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng ứng dụng kiểm tra độ chính xác của thông tin trên mạng xã hội, kết hợp với các biện pháp lọc nguồn thông tin, liên kết kiến thức cũ với thông tin mới, nhằm giúp người sử dụng có đầy đủ cơ sở kiểm chứng, đánh giá thông tin từ các nguồn tiếp nhận.
Theo các tác giả, giá trị tin cậy của thông tin cần được đánh giá từ nhiều yếu tố như hình thức trình bày, lối hành văn của tác giả, tên tác giả, hình ảnh, dẫn chứng, các link dẫn đi kèm, thời gian đăng tải, cách đặt tựa đề, mức độ chia sẻ của bạn bè... Đặc biệt, sự tỉnh táo và khả năng làm chủ cảm xúc bản thân của người xem chính là 2 trong số những kỹ năng quan trọng giúp các bạn học sinh không bị lôi kéo, dụ dỗ theo những nguồn tin không chính thống trên mạng xã hội.
Theo nhóm tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Như và Nguyễn Minh Quang, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM), 78% các bạn trẻ cho rằng thời đại ngày nay, nguồn thông tin chủ yếu đến từ mạng xã hội, chỉ có 10% kiến thức có được từ nhà trường, 8% đến từ bạn bè và 4% có được từ trải nghiệm cuộc sống. Do đó, thay vì cấm cản, thầy, cô nên quan tâm, có định hướng, giúp các bạn học sinh ý thức sử dụng điện thoại thế nào cho phù hợp. |
MINH QUÂN (SGGPO)