Xứng sao với nghề cao quý?

Cập nhật ngày: 07/04/2018 15:46:02

Trong khi dư luận chưa hết bức xúc với vụ việc cô giáo dạy toán ở TP.Hồ Chí Minh bạo hành tinh thần các em học sinh lớp 11 Trường THPT Long Thới (quận Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) bằng cách ba tháng liền không giảng bài, không giao tiếp với học sinh khi lên lớp, thì mới đây lại thêm một vụ việc đau lòng được phát hiện. Một cô giáo tiểu học đã phạt một học sinh lớp 3 Trường tiểu học An Ðồng (huyện An Dương, TP Hải Phòng) mất trật tự trong lớp, bằng cách bắt học sinh uống nước vắt ra từ khăn lau bảng. Trước đó không lâu, tại Long An, một cô giáo tiểu học cũng bắt học sinh phải quỳ suốt cả tiết học…, gây sự bất bình trong dư luận.

Từ xưa đến nay, nghề nhà giáo luôn là một trong những nghề cao quý nhất, được xã hội trân trọng, tôn vinh. “Tôn sư trọng đạo” đã trở thành đạo lý truyền thống nghìn đời nay của dân tộc ta. Nhiều người khi mái đầu đã bạc, vẫn nhớ đến công ơn những thầy, cô dạy dỗ từ thuở thiếu thời. Dẫu biết rằng “yêu cho roi, cho vọt” là một hình thức nghiêm khắc để rèn tính kỷ luật của những em học sinh hiếu động, có hành vi chưa ngoan, nhưng những sự việc nêu trên đã vượt quá những giới hạn của đạo đức nhà giáo, vượt quá những quy tắc ứng xử của một con người đối với một con người, chưa kể đó là những đứa trẻ đặc biệt trong thời đại ngày nay khi pháp luật bảo hộ trẻ em khỏi mọi hành vi bạo hành cả thể chất và tinh thần.

Những hành động đó đã để lại sự tổn thương nghiêm trọng về tâm lý và thể xác đối với các em học sinh. “Trẻ em như búp trên cành”, các em học sinh, nhất là các em bậc tiểu học, đang ở lứa tuổi học kiến thức, học làm người. Ở lứa tuổi ấy không thể tránh những sai sót, những lỗi lầm trong sinh hoạt, học tập. Cùng với gia đình, các thầy, cô giáo chính là những người dạy dỗ, uốn nắn các em phát triển, hình thành nhân cách. Những đứa trẻ khi mới đi học, thường coi các thầy, cô giáo là thần tượng của mình. Nhiều em mơ ước mai sau sẽ trở thành người được đứng trên bục giảng để truyền đạt kiến thức, bài giảng về đạo đức giống như các thầy, cô của các em.

Dù chỉ là những câu chuyện đơn lẻ, nhưng những câu chuyện đau lòng trên cho thấy một biểu hiện sa sút nghiêm trọng về phẩm cách của nhà giáo; làm xấu đi hình ảnh của không chỉ môi trường sư phạm mà còn gây bức xúc toàn xã hội. Những người gây ra những sự việc nêu trên đã nhận những hình thức kỷ luật. Nhưng qua đó, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Tại sao việc cô giáo dạy toán không giảng bài cho học sinh kéo dài hàng tháng mà giáo viên chủ nhiệm lớp và ban giám hiệu nhà trường không hay biết? Nếu không có buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục - đào tạo TP.Hồ Chí Minh với những học sinh tiêu biểu, vụ việc sẽ vẫn tiếp tục diễn ra và các em học sinh tiếp tục chịu đựng tình cảnh đó.

Sự việc ở Trường tiểu học An Ðồng cũng vậy, xảy ra vào tháng 2, nhưng gần đây, một học sinh trong lớp mới kể cho phụ huynh nghe, qua đó nhà trường mới biết. Vậy vai trò quản lý của lãnh đạo nhà trường đến đâu? Chưa kể, sau khi vụ việc được phát hiện, thì một số thầy, cô lại có cách hành xử chưa hợp chuẩn. Em học sinh dũng cảm đứng lên thay mặt tập thể lớp để chia sẻ sự bức xúc khi phải chịu đựng tình cảnh ba tháng trời giáo viên không giao tiếp, không giảng bài cho cả lớp, đã phải chuyển trường, vì không thể chịu nổi áp lực của nhà trường. Một người dũng cảm nói lên sự thật bỗng nhiên bị coi như kẻ có lỗi!

Nghề giáo là nghề cao quý, nhưng những người đứng trên bục giảng chỉ thật sự xứng đáng với danh hiệu đó, nếu có nhận thức đúng về nghề, vượt qua được những cảm xúc, hành động bản năng; trao truyền kiến thức, đạo lý làm người bằng sự tâm huyết, bằng tình yêu thương, bằng cả hình ảnh của mình trên bục giảng cho các thế hệ học trò, như họ đã được dạy trong các trường sư phạm, như đạo lý truyền thống quý báu của dân tộc.

GIANG NAM (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn