Ý kiến về xây dựng xã hội học tập
Cập nhật ngày: 21/08/2013 03:45:31
Tại Đại hội Đảng lần thứ IX, Báo cáo Chính trị đã khẳng định mục tiêu "Cả nước thành xã hội học tập". Sau đó, Bộ Chính trị, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công văn cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IX.
Để thực hiện một xã hội học tập, ở nước ta hình thành hai hệ thống giáo dục cùng song hành: Thứ nhất là hệ thống giáo dục chính qui hay trong nhà trường. Đối tượng là học sinh và nhà trường từ bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT đến cao đẳng, đại học và sau đại học; hệ thống giáo dục này dạy và học theo chương trình qui định, sách giáo khoa, các môn học, thời gian học... thống nhất cả nước; thống nhất cả ngày khai giảng, bế giảng năm học; học có kiểm tra, thi cử, cấp bằng tốt nghiệp.
Cơ sở vật chất (trường lớp, dụng cụ, thiết bị dạy và học...) do ngân sách Nhà nước đầu tư. Thầy cô giáo được Nhà nước trả lương và thực hiện chế độ tuyển dụng, nghỉ hưu hưởng lương hưu...; phải công nhận rằng ở miền Bắc (sau 1945) và ở miền Nam (sau 1975), hệ thống giáo dục này phát triển ngày càng lớn mạnh, rộng khắp, đạt nhiều thành tích trong nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài ở nước ta; Thứ hai là hệ thống giáo dục không chính qui hay ngoài nhà trường.
Đối tượng bao gồm tất cả mọi người ngoài hệ thống giáo dục chính qui, trong nhà trường, là công nhân, nông dân, người lao động, ở thành thị hay nông thôn, tuổi còn trẻ hay lớn tuổi, bộ đội, Công an phục viên, người giàu hay nghèo (trừ những người quá già, bệnh tật...). Học không có chương trình cố định mà tùy từng đối tượng có nhau cầu học gì thì dạy. Thời gian học không qui định thống nhất, có môn không thi cử...
Để tạo điều kiện cho đối tượng ngoài nhà trường có nơi chỗ học tập, sinh hoạt, Nhà nước chủ trương xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở mỗi xã, phường. Tỉnh ta đã chỉ đạo sử dụng hội trường vốn có của xã, phường hay xây dựng mới làm TTHTCĐ và đầu tư ban đầu cho mỗi TTHTCĐ 10 triệu đồng để trang bị những thứ cần thiết.
Ngoài ra, có thể sử dụng sân bãi, đình chùa, nhà có không gian rộng, ngoài vườn cây, cạnh ao cá... làm nơi học tập, chuyển giao công nghệ tùy theo nhu cầu dạy và học. Giờ giấc học có thể là giờ nghỉ, ban đêm, chủ nhật... Tổ chức bộ máy quản lý TTHTCĐ hầu hết là người kiêm nhiệm. Giám đốc Trung tâm là Phó Chủ tịch UBND xã, phường phụ trách văn xã. Thành phần còn lại bao gồm lãnh đạo UBMTTQ, Ban Tuyên giáo, công chức văn hóa, Hội Khuyến học, Hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Công an, Quân sự, Tư pháp...
Điều kiện ở tỉnh ta hiện nay chưa cho phép xây dựng Trung tâm văn hóa ở mỗi xã, phường nên UBND tỉnh chủ trương ghép vào TTHTCĐ thành Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng. Cử vị công chức văn hóa làm Phó Giám đốc Trung tâm. Ngành giáo dục cử một giáo viên phụ trách phổ cập giáo dục ở xã, phường là Phó Giám đốc giúp Giám đốc điều hành Trung tâm.
Khi mới chủ trương thành lập TTHTCĐ, Hội Khuyến học Việt Nam xem Hội Khuyến học địa phương (xã, phường) là cơ quan quản lý TTHTCĐ. Khi có Luật Giáo dục thì TTHTCĐ nằm trong hệ thống giáo dục, do ngành Giáo dục - Đào tạo quản lý. Song thực tế mấy năm qua, từ Bộ đến Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đều chưa có tổ chức hay cán bộ chuyên trách theo dõi, quản lý, hướng dẫn... TTHTCĐ.
Trong khi đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã, phường kiêm Giám đốc Trung tâm lại nặng lo công việc của UBND, nên nơi nào ít được quan tâm thì nơi đó TTHTCĐ chỉ có danh nghĩa, có tấm bảng treo trước hội trường, thực chất không hoạt động hoặc hoạt động méo mó, chưa đúng chức năng, đúng đối tượng.
Từ thực trạng trên, tôi đề nghị cần chỉnh sửa để TTHTCĐ đi vào hoạt động thực chất, đúng chức năng, đúng đối tượng:
Bộ GD&ĐT nên xem xét, không nên quan niệm rằng TTHTCĐ là của dân, do dân lập, dân điều hành, mà nên đặt việc học ngoài nhà trường là một trong hai mặt giáo dục song hành cùng hệ thống giáo dục trong nhà trường. Ít ra có một tổ chức gọn nhẹ ở Bộ, một vài cán bộ ở Sở và Phòng GD&ĐT làm tham mưu cho lãnh đạo GD&ĐT cùng cấp, quản lý, chỉ đạo, theo dõi tình hình và báo cáo hoạt động của các TTHTCĐ, không nên bỏ trống hoàn toàn như hiện nay.
Tỉnh ta nên cử vị Chủ tịch Hội Khuyến học xã, phường vào làm Phó Giám đốc Trung tâm vì Hội Khuyến học có vai trò chính là vận động các tầng lớp nhân dân, các đối tượng tham gia vào sinh hoạt ở TTHTCĐ và các đoàn thể có trách nhiệm vận động hội viên trong đoàn thể của mình.
Những năm qua, Hội Khuyến học hoạt động rất có hiệu quả, góp phần to lớn vào kết quả của GD&ĐT. Tuy nhiên, hoạt động của Hội qua việc khuyến học, khuyến tài cũng mới chỉ tập trung vào đối tượng trong nhà trường mà chưa chú ý đến đối tượng ngoài nhà trường; chưa có kế hoạch tuyên truyền, vận động, đề cao những người trong đối tượng này nhờ học qua các lớp mở ở TTHTCĐ, qua tự học mà tri thức được nâng cao hơn, làm ăn có hiệu quả hơn, xóa được nghèo trở nên khá giả...
Việc xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học cũng chỉ một mặt đề cao người lớn (là cha mẹ, ông bà...) biết chăm lo khuyến khích cho con cháu học tốt, thành đạt mà ít chú ý là cha mẹ, ông bà... cũng phải tham gia việc học thường xuyên, học suốt đời.
Mong rằng các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành GD&ĐT, Hội Khuyến học... phát huy mặt đã làm tốt, càng tốt hơn, đồng thời từng bước khắc phục những khiếm khuyết để phấn đấu cùng cả nước hoàn thành mục tiêu "Cả nước ta trở thành xã hội học tập".
Nguyễn Đắc Hiền