Ý chí vượt qua nghèo khó của một cựu chiến binh
Cập nhật ngày: 21/09/2018 09:26:48
ĐTO - Từng ở cảnh nghèo đói, phải tha phương cầu thực nhưng với ý chí, nghị lực phi thường của người Bộ đội Cụ Hồ, hiện tại ông đã trở thành tỷ phú với khối tài sản trị giá nhiều tỷ đồng. Người mà chúng tôi muốn nói đến là cựu chiến binh Mai Văn Đèo (tên thường gọi ông Ba Đèo) ngụ ấp 3, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười.
Ông Mai Văn Đèo
Sinh ra tại quê hương Đồng Khởi Bến Tre, ông Ba Đèo là con thứ 3 trong gia đình có 7 anh chị em. Khi mới 16 tuổi, ông Ba tình nguyện nhập ngũ, tham gia kháng chiến. Ông phụ trách việc dẫn đường cho cán bộ, chiến sĩ đi công tác, hành quân. Sau ngày đất nước hòa bình, ông được chuyển về công tác tại Công an tỉnh Bến Tre. Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, ông Ba nghỉ công tác vào năm 1978, về quê lao động phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Ông lập gia đình rồi lần lượt 2 đứa con ra đời. Nhà đông người nhưng ít ruộng đất lại không nghề nghiệp nên kinh tế rơi vào cảnh túng quẫn, nghèo đói.
Năm 1991, ông Ba cùng vợ là bà Trần Thị Sương, người em vợ là bà Trần Thị Lủ và 2 con nhỏ rời quê hương đến xã Tân Kiều để làm thuê kiếm sống. Ông Ba Đèo xúc động nhớ lại: “Những ngày đầu đến vùng đất mới, nơi xứ lạ quê người, không vốn liếng cũng chẳng có bà con dòng họ, gia đình tôi gặp muôn vàn khó khăn. Nhà thường xuyên hết gạo phải ăn rau thay cơm. Chúng tôi cất tạm căn chòi nhỏ bên bờ kênh, đi làm mướn nhiều việc, từ dặm lúa, cắt lúa, rải rơm đến làm cỏ, phát cỏ... để kiếm gạo ăn. Sau 6 năm làm thuê và tiết kiệm chi tiêu, gia đình tôi tích lũy mua được 7 công đất hoang rồi cải tạo làm ruộng”.
Quyết tâm không để đói nghèo đeo đuổi, ông và các thành viên trong gia đình tiếp tục nỗ lực lao động. “Chúng tôi từng làm rất nhiều việc để phát triển kinh tế, miễn sao đồng tiền kiếm được là chân chính. Ngoài làm mấy công ruộng, chúng tôi còn làm thuê, bán gạo, bánh ú, nuôi heo, mua bán thịt heo... Mãi đến năm 2002, gia đình mới mua được chỗ ở và cất nhà, chấm dứt cảnh ở đậu suốt hơn 10 năm” - bà Trần Thị Sương kể.
Thực hiện phương châm “Lấy ruộng nuôi ruộng”, bao nhiêu vốn tích góp được, ông Ba đều mua ruộng đất. Đến nay, ông Ba Đèo sở hữu 70 công ruộng, 6 công vườn. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu của gia đình và bà con địa phương, năm 2010, ông Ba Đèo mạnh dạn đầu tư lò sấy lúa với công suất hàng trăm tấn lúa/ngày, trị giá trên 3 tỷ đồng. Năm 2017, ông Ba xây dựng ngôi nhà mới khang trang kết hợp nuôi chim yến. Bằng ý chí được trui rèn trong môi trường quân đội cùng sự siêng năng lao động, nhạy bén và may mắn, ông Ba vượt qua cảnh nghèo khó, trở nên giàu có. Sơ tính ruộng vườn, lò sấy lúa, căn nhà kiên cố khang trang với nội thất cao cấp của ông Ba Đèo có tổng trị giá hơn 12 tỷ đồng. Ông là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Cơ sở sấy lúa và 7ha ruộng của ông Ba góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động trong và ngoài địa phương với thu nhập khá ổn định. Đặc biệt, ông Ba ưu tiên chọn những người có hoàn cảnh khó khăn làm việc cho mình, giúp nhiều lao động cải thiện kinh tế gia đình.
Trước đây, kinh tế ông Phạm Minh Tâm ở ấp 3, xã Tân Kiều trong cảnh thiếu trước hụt sau. Từ năm 2004 đến nay, nhờ làm việc cho ông Ba mà ông Tâm có nguồn thu nhập ổn định và thoát nghèo. Vợ con ông Tâm cũng được ông Ba nhận vào làm ở lò sấy. Còn ông Trần Văn Tế ngụ xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre cho hay: “Tôi đến làm việc cho anh Ba Đèo 8 năm nay, chủ yếu là chụm lò sấy. Có việc làm ổn định nên kinh tế gia đình tôi phát triển hơn”.
Kinh tế ổn định, ông Ba Đèo tham gia đóng góp làm cầu, đường nông thôn; tặng nhiều phần quà cho hộ nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng chí Phạm Thành Nghĩa - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Kiều cho biết: “Ông Ba Đèo rất giàu ý chí và siêng năng lao động, từ bàn tay trắng mà giờ có tài sản bạc tỷ. Ông là một cựu chiến binh gương mẫu, là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Gia đình ông chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và đóng góp xây dựng giao thông nông thôn ở địa phương”.
N.AN