Một nét phong cách Hồ Chí Minh

Cập nhật ngày: 22/05/2019 10:01:29

Cuộc đời, sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức, phong cách để nhiều thế hệ người Việt Nam mãi mãi học tập, làm theo. Ở bài viết nhỏ này, xin nêu một nét phong cách của Người, tuy nhỏ nhưng năng lượng lan tỏa lại vô cùng lớn, đó là kỹ năng hòa đồng (*).

Hòa đồng - một từ ghép Hán Việt gồm hai thành tố đồng nghĩa (hòa: cùng; trộn lẫn; thuận; hợp... - đồng: cùng...) hợp thành nghĩa chung với mức độ tăng cường hơn: cùng hòa hợp, trộn lẫn vào nhau một cách nhuần nhị, khăng khít. Thường hòa đồng nhằm vào những người có địa vị xã hội cao khi vi hành hay hạ cố, đi xuống phía những người có địa vị thấp hơn mình. Nếu là một cộng đồng ngang nhau về địa vị xã hội thì hòa đồng nhằm chỉ tính cách những ai sống gần gũi, gắn bó, biết hy sinh quyền lợi cá nhân vì những lợi ích chính đáng của tập thể. Hòa đồng còn nhằm chỉ những người luôn biết chủ động gạt bỏ những bất đồng, xa lạ, trắc trở... hiện hữu, tự mình trở thành một thành viên của một tập thể, một cộng đồng nào đó - điều mà có thể những người khác, khó hoặc không thực hiện được... Có thể khẳng định, hòa đồng là một đức tính và phong cách sống cao đẹp, không phải ai ai cũng có thể có và làm được trong suốt cuộc đời mình!

Hòa đồng bắt nguồn một cách tự nhiên, hồn nhiên trong máu thịt, cứ vậy mà tỏa ra, chẳng thể cưỡng. Chính vì vậy, không bao giờ cộng đồng chấp nhận kiểu hòa đồng diễn, hòa đồng ngụy trang... Cũng bỏ giày, dép lội xuống ruộng bùn cùng nông dân nhưng thao tác và hoạt động của Hồ Chí Minh thì hoàn toàn tự nhiên, hợp lý, suôn sẻ, cứ như đó cũng là động tác Người đang thực hiện nơi công đường. Tương tự, một số chính trị gia khác đã từng làm nhưng sao mất tự nhiên, lóng nga lóng ngóng, thấy cứ như đang đóng kịch, gượng và phô hết sức! Hồ Chí Minh sà xuống bế một em bé lên tay, thấy sao tự nhiên như ông bế cháu, thân thương, hiền hậu, ấm áp. Cũng như vậy, vài chính trị gia khác thực hiện thì thấy sao bắt buộc, gò bó quá! Ngay cả cái xoa đầu trẻ nhỏ của các vị ấy cũng qua loa, đại khái, cứ như phải diễn cho xong kịch bản. Xoa đầu em bé hay bắt tay một người mà mắt lại lơ đãng nhìn đâu đâu phía lễ đài, thật là vô tình và rất đáng suy ngẫm!

Hòa đồng rất gần với giản dị nhưng hoàn toàn không phải là giản dị. Có người vô cùng giản dị nhưng rất khó hòa đồng. Lại có người biết cách hòa đồng nhưng có lối sống không mấy giản dị. Hồ Chí Minh thì có cả hai: vừa giản dị vừa hòa đồng. Nhưng lạ, điều đó lại làm nên sự sang trọng, lịch lãm của Người. Bởi, hòa đồng ở Hồ Chí Minh là hòa đồng đích thực - hòa đồng không đóng kịch. Và giản dị ở Hồ Chí Minh là giản dị đúng nghĩa - giản dị nhưng không xuề xòa, nhếch nhác.

Hồ Chí Minh xuất hiện ở đâu là hòa đồng với mọi người ở đó. Một cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị tại Nhà sàn ở Phủ Chủ tịch hay một lần xuống ruộng, cùng ngồi đạp xe nước cùng bà con nông dân bằng chân trần, Hồ Chí Minh đều sống một cách tự nhiên, hài hòa với vai trò đồng chí thân thiết hay nông dân thứ thiệt. Hồ Chí Minh đi đến đâu là hòa đồng ở đó, không chỉ khắp mọi miền đất nước mà cả ở nước ngoài. Thấy thiếu nhi nước ngoài tặng hoa và được Chủ tịch Hồ Chí Minh ôm hôn, có khi bế lên, cứ ngỡ việc này đang diễn ra tại Việt Nam vì nó hòa đồng đến kinh ngạc và đáng khâm phục!

Xét hòa đồng với nghĩa gần dân, trọng dân thì phong cách Hồ Chí Minh càng thể hiện một cách sâu sắc, đậm đặc và vô cùng ấn tượng. Theo một thống kê (trên trang Thông tin điện tử Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 26/12/2018), trong vòng 10 năm (1955 - 1965), dù tuổi cao, việc nước bề bộn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tổ chức được 700 lượt về với dân tại các địa phương, đơn vị bộ đội, công an... Bình quân, cứ 5 ngày, Người xuống với dân 1 lượt. Quả là một con số kỷ lục với một nguyên thủ Quốc gia!

Những tuyên ngôn, khẩu hiệu như: của dân, do dân, vì dân, trọng dân, gần dân - không xa dân... luôn được vang lên ngày ngày trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và trong những văn bản chính trị - hành chính hiện nay. Nhưng nó sẽ vô giá trị và phi thực nếu những người thực thi công vụ từ thấp đến cao không biết sống hòa đồng như Hồ Chí Minh từng sống.

Học tập và làm theo Hồ Chí Minh, theo tôi, trước hết là phải học phong cách hòa đồng này. Biết sống hòa đồng, người ta sẽ cảm thông, chia sẻ với mọi người, yêu thương mọi người một cách đích thực, nhất là từ những khó khăn, thiếu thốn, đau khổ nào đó mà họ đang gánh chịu. Hòa đồng, ắt sẽ giảm và không quan liêu, sách nhiễu, ức hiếp dân. Hòa đồng, ắt sẽ giảm và không tham nhũng tiền của của dân. Hòa đồng, ắt sẽ giảm và không sống xa hoa, phè phỡn trên những bần cùng nào đó của dân...

Biết sống hòa đồng như Hồ Chí Minh, đất nước từng bước bớt đi những vấn nạn nhức nhối và chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ, ổn định hơn nhiều.

Và nên chăng, phong cách hòa đồng của Hồ Chí Minh, cần biên soạn thành một bài học riêng về đạo đức/giáo dục công dân hay kỹ năng sống cho học sinh trong trường phổ thông hiện nay?

Tao Đàn

(*) Hòa đồng được dùng với nghĩa rộng hơn các khái niệm gần dân, trọng dân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn