Doanh nhân Lê Thành chỉ ra 3 điểm mạnh của Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 17/12/2017 21:39:07

Nếu hoàn chỉnh hạ tầng thì với vị trí gần sông Tiền, có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi khắp đồng bằng sông Cửu Long và kết nối với ra thế giới, Đồng Tháp có quyền kỳ vọng vào việc có thể hình thành một trung tâm chế biến sâu về nông nghiệp cho khu vực và cả nước.

Đó là nhận định của ông Lê Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ, bên lề Chương trình xúc tiến đầu tư thương mại Đồng Tháp tại TP.Hồ Chí Minh, diễn ra từ 9 - 11/12.


Đồ họa: Thanh Toàn

Là người dẫn dắt một nhóm nhà đầu tư đến với Đồng Tháp, ông Lê Thành cho biết, Đồng Tháp trong mắt của cộng đồng doanh nghiệp nổi lên ở 3 khía cạnh.

Thứ nhất, là thế mạnh về tài nguyên, vùng nguyên liệu. Từ xoài Cao Lãnh, quýt Lai Vung, hoa Sa Đéc,… tất cả đã tạo được một thương hiệu Đồng Tháp riêng biệt và thu hút các nhà đầu tư. Hơn nữa, giá trị thương hiệu này không chỉ có trong một ngày, một bữa, mà nó được lãnh đạo tỉnh vun đắp, xây dựng và lớn lên qua từng ngày.

Đặc biệt nữa là bà con nông dân ở Đồng Tháp có tay nghề lao động cao và quản lý vùng trồng trọt cũng rất tốt. Qua khảo sát, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ thấy rằng, đây là nguồn lực hết sức quan trọng, để từ đó kết nối các nhà đầu tư phát triển thành chuỗi giá trị, từ khâu thu mua, chế biến nông sản, đến phát triển thị trường cho sản phẩm.

Thứ hai, dưới góc nhìn của chúng tôi, Đồng Tháp xây dựng thương hiệu địa phương rất tốt. Từ bộ nhận diện thương hiệu đến giá trị cốt lõi đều được lãnh đạo tỉnh truyền đạt và thống nhất đến các sở, ngành, địa phương. Đó là cách quản lý một cách có hệ thống và thông suốt về mặt thông tin, truyền thông. Những điều này rất quan trọng đối với nhà đầu tư. Bởi lẽ, thực tế ở một vài nơi vẫn xuất hiện tình trạng “trên nói, dưới không nghe”; trong khi đó, chính quyền Đồng Tháp lại tạo được sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị, từ đó tạo nguồn lực mạnh về mặt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư.

Thứ ba, Đồng Tháp nằm ở vị trí trung tâm, giáp với các tỉnh: An Giang, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ và đặc biệt là Campuchia. Chính yếu tố này đã tạo cho nhà đầu tư niềm tin rằng đây chính là một trung tâm thật sự, đồng thời, tạo động lực cho chúng tôi cùng chung tay, phát triển không chỉ riêng cho Đồng Tháp mà cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tóm lại, khi nói đến Đồng Tháp là nói đến những giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, cách mạng; các điều kiện tự nhiên phong phú; chất lượng nguồn nhân lực; cách quản lý năng động, nhạy bén của chính quyền..., tất cả tạo nên cảm giác an lành, tạo sự an tâm cho nhà đầu tư khi tới đây tìm hiểu và lựa chọn địa phương làm điểm dừng chân để đầu tư.

Với những giá trị cốt lõi được hình thành và thấm sâu trong những năm qua của Đồng Tháp, Viện Kinh tế  Nông nghiệp hữu cơ sẽ thực hiện vai trò kết nối và phát triển cho địa phương.

Viện đang xây dựng và phát triển mô hình chuỗi giá trị bền vững thị trường. Khi về Đồng Tháp, chúng tôi nhận thấy địa phương rất phù hợp khi đã chủ động và xây dựng trước 3 khâu: vùng trồng, ý thức trách nhiệm của nông dân và cách quản trị; và chúng tôi chỉ cần thêm 2 khâu nữa là thị trường, nhà máy chế biến và vận chuyển. Thế là mô hình đã được hoàn chỉnh. Đó là sự phù hợp về mô hình và tư duy.

Sau khi thống nhất và xem xét tính phù hợp, chúng tôi bắt đầu kêu gọi đầu tư. Kêu gọi không chỉ một vài doanh nghiệp mà là một nhóm doanh nghiệp để cùng chia sẻ và cộng hưởng trên mô hình đó. Tôi nghĩ rằng, đây là cách làm mang tính bền vững, tuy chậm mà chắc. Khi giải quyết vấn đề là xem xét cả cấu trúc, chứ không riêng lẻ ở khâu này hoặc khâu kia - ông Thành nhấn mạnh.

Văn Khương (CTTĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn