“Ngành ngân hàng sẽ cùng đồng hành với nông nghiệp, nông thôn”

Cập nhật ngày: 27/02/2019 06:40:44

ĐTO - Đó là ý kiến phát biểu của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú tại Hội nghị ngành ngân hàng thúc đẩy cho vay sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức tại TP.Cao Lãnh chiều 26/2.


Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị

Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN Việt Nam, với những nỗ lực của toàn ngành, thời gian qua, hoạt động ngân hàng khu vực ĐBSCL đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó, đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng như lúa gạo có sự tăng trưởng rõ rệt, góp phần đảm bảo nguồn vốn cho người dân và doanh nghiệp (DN) thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lúa gạo.

Đến cuối tháng 1/2019, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL là 50.000 tỷ đồng, chiếm một nửa cả nước với khoảng 135.000 lượt khách hàng. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt gần 36.000 tỷ đồng, trung và dài hạn đạt 14.000 tỷ đồng. Điều này đã phần nào giúp các DN tháo gỡ khó khăn về vốn.


Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội nghị

Tại hội nghị, nhiều đại biểu tham gia ý kiến xoay quanh việc trước xu thế hiện nay, các tổ chức tín dụng đang tích cực hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng và thực hiện các gói ưu đãi lãi suất theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam; các phương pháp cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng và tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc quy định về mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo.

Để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN, các đơn vị phải chủ động tiếp cận các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho người dân, DN, các đơn vị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng...

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn