“Sống khỏe” nhờ trồng bưởi, cam theo hướng hữu cơ

Cập nhật ngày: 17/09/2019 05:34:41

ĐTO - Với khoảng 2.500m2 trồng bưởi da xanh theo hướng hữu cơ, ông Hà Văn Giữ - thành viên Hợp tác xã nông sản sạch Vĩnh Thới, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung đã thu lại lợi nhuận cao hơn canh tác lúa. Đặc biệt, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên đầu ra nông sản ổn định và giá bán khá cao so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.


Ông Hà Văn Giữ kiểm tra chất lượng bưởi trước khi thu hoạch

Cách đây hơn 15 năm, gia đình ông Hà Văn Giữ vẫn bám trụ với nghề trồng lúa dù sống ở nơi được ví von là “thủ phủ” cây có múi của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, khoảng năm 2004 nhận thấy trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế tốt hơn sản xuất lúa nên ông Giữ cho thuê 15 công ruộng đang canh tác để về nhà cải tạo hơn 2.500m2 đất vườn tạp trồng bưởi da xanh. Ban đầu, cũng như nhiều nông dân lân cận, ông Giữ sử dụng nhiều loại phân hóa học trong quá trình canh tác. Đến khoảng năm 2015, nhận thấy sản xuất trái cây an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là một hướng đi đúng đắn, ông Giữ mạnh dạn thực hiện quy trình canh tác an toàn này.

Ông Giữ nhớ lại: “Nhận thấy quy trình sản xuất theo VietGAP rất hay, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất, từ đó tôi đã mạnh dạn theo đuổi mô hình này. Năm 2017, vườn bưởi của tôi chính thức được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP”.

Chưa dừng lại đó, nhằm tăng chất lượng cho trái bưởi cũng như cải tạo, phục hồi “sức khỏe” cho đất sau nhiều năm chịu tác động từ việc sử dụng phân hóa học, khoảng năm 2015 – 2016, ông Giữ bắt đầu tiến thêm một bước là sản xuất bưởi theo hướng hữu cơ. Nhờ đeo đuổi theo quy trình sản xuất an toàn và hướng đến chuẩn hữu cơ nên vườn bưởi của ông Giữ dù đã trồng khá lâu năm nhưng vẫn “giữ được phong độ”, đặc biệt là khả năng cho trái rải vụ quanh năm.

Ông Hà Văn Giữ tâm đắc chia sẻ: “Nhờ chuyển sang canh tác bưởi theo hướng hữu cơ nên không những giúp cây bưởi khỏe, cho năng suất tốt mà vườn bưởi của tôi còn hạn chế được nhiều dịch hại đang hoành hành trên địa bàn huyện. Tôi không bón phân hữu cơ mua sẵn, thay vào đó, gia đình tự ủ phân chuồng với nấm Tricodecm để bón cho cây. Ngoài sử dụng phân hữu cơ trong quá trình canh tác, tôi còn thường xuyên sử dụng thêm các loại nấm vi sinh có lợi cho đất nhằm giúp đất tơi xốp và màu mỡ hơn”.


Sử dụng phân hữu cơ giúp cải thiện chất lượng đất trồng và chất lượng bưởi

Với 2.500m2 trồng bưởi xanh, mỗi năm, ông Giữ thu hoạch khoảng 2,5 tấn trái, được thương lái bao tiêu với mức giá ổn định quanh năm, trung bình khoảng 50 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, mỗi năm ông Giữ thu lãi khoảng 80 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận mà ông Giữ khẳng định tốt hơn rất nhiều so với canh tác lúa của gia đình ông trước đây.

Thành công từ mô hình trồng bưởi, năm 2015, gia đình ông Giữ mạnh dạn thuê thêm 2.000m2 của nhà vườn lân cận để trồng cam xoàn theo hướng hữu cơ. Hiện tại, vườn cam xoàn của gia đình ông Giữ được 4 năm tuổi và cho thu hoạch. Nhờ sản phẩm đạt chứng chứng nhận VietGAP và đang sản xuất theo hướng hữu cơ nên toàn bộ sản lượng cam xoàn của ông Giữ đều được Hợp tác xã nông sản sạch Vĩnh Thới bao tiêu. Trong năm 2019, doanh thu mang lại cho ông khoảng 130 triệu đồng từ 2.000m2 trồng cam.

Hiện gia đình ông cũng đang định hướng mở rộng mô hình sản xuất bưởi và cam theo hướng hữu cơ nhằm phục vụ cho nhu cầu của thị trường.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn