Cần những phiên chợ hàng Việt về các xã vùng sâu

Cập nhật ngày: 31/10/2014 13:42:09

Trong những năm qua, huyện Tam Nông đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (NVNUTDHVN). Đáng ghi nhận là huyện xây dựng được những mô hình hay giúp người dân nông thôn, vùng sâu từng bước tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng cao. Qua khảo sát thực tế cho thấy, có trên 80% người dân huyện Tam Nông sử dụng hàng hóa do Việt Nam sản xuất, chuyển thói quen dùng hàng ngoại sang dùng hàng nội.


Người tiêu dùng mua hàng tại kiots hàng Việt Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ thị trấn Tràm Chim

Qua 5 năm thực hiện cuộc vận động, Ban chỉ đạo Cuộc vận động NVNUTDHVN huyện (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng giúp cuộc vận động từng bước đi vào cuộc sống. Ban Chỉ đạo huyện đã phối hợp với các ngành hữu quan của tỉnh tổ chức được 3 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, có 134 doanh nghiệp tham gia với 146 gian hàng trưng bày giới thiệu và bán hàng hóa sản xuất trong nước, phù hợp với người tiêu dùng nông thôn, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý. Phiên chợ thu hút 46.600 lượt người đến tham quan, mua sắm, tổng doanh thu từ bán hàng trên 3.600 triệu đồng.

Để người dân chủ động tiếp xúc với hàng Việt nhiều hơn, ngoài những phiên chợ hàng Việt, Ban Chỉ đạo huyện đã phối hợp với Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ thị trấn Tràm Chim xây dựng 4 kiots tổ chức bán hàng và sản phẩm do Việt Nam sản xuất cùng những sản phẩm đặc trưng của huyện như khô cá lóc, gạo. Theo Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ thị trấn Tràm Chim, thời gian đầu hình thành doanh số bán ra còn khiêm tốn khoảng 15-20 triệu đồng/tháng/quầy thì đến nay con số đó đã tăng lên gấp đôi. Điều này, phần nào minh chứng cho sự tin dùng hàng Việt của người dân địa phương.

Ngoài ra, huyện vận động thành lập được 11 câu lạc bộ, 26 tổ phụ nữ tiêu dùng hàng Việt Nam, 12 hộ tiểu thương tại các chợ chuyên bán hàng do Việt Nam sản xuất... Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả cho cuộc vận động tại địa phương. Thông thường những phiên chợ hàng Việt chủ yếu về tại thị trấn của huyện, tuy nhiên, qua những mô hình này, huyện từng bước tạo cơ hội để hàng Việt bén duyên với người dân vùng sâu, để hàng nội có thể phủ khắp trên chính thị trường của mình.

Anh Lê Hữu Đăng Khoa - chủ cửa hàng điện máy Bảo Thùy, chợ Tràm Chim cho hay: “Thời gian đầu, người tiêu dùng đến với hàng Việt (thiết bị điện gia dụng) rất hạn chế. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền và qua thời gian sử dụng, niềm tin về hàng nội của người dần tăng lên, bởi sản phẩm có độ bền cao, chất lượng, được bảo hành chính hãng”.

Ông Trần Văn Dũng - Phó Trưởng ban thường trực Cuộc vận động NVNUTDHVN huyện cho hay: “Thông qua cuộc vận động, người dân ngày càng tin tưởng đối với hàng Việt, góp phần đưa hàng hóa nội phát triển. Đồng thời, thông qua các phiên chợ, doanh nghiệp nhận được sự phản hồi từ phía người tiêu dùng đã dần dần thay đổi mẫu mã và chất lượng sản phẩm, từng bước để hàng Việt Nam ngày càng được tin dùng. Không để cho hàng nội bị mất hình ảnh bởi hàng gian, hàng kém chất lượng, Ban Chỉ đạo huyện phối hợp với ngành hữu quan kiểm tra, rà soát thị trường nhằm xử lý những trường hợp bán sản phẩm là hàng giả”.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo huyện Tam Nông sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông thực hiện Cuộc vận động NVNUTDHVN sâu rộng đến các tiểu thương và người tiêu dùng. Đồng thời, nhân rộng và nâng cao các mô hình hoạt động có hiệu quả, chủ động phối hợp tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại địa phương, nhằm tạo kết nối gần gũi giữa nhà sản xuất và nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.

Theo ông Dũng, để Cuộc vận động NVNUTDHVN phát triển, cần lắm những phiên chợ hàng Việt về các xã vùng sâu để người dân nơi đây biết thêm nhiều thông tin về các sản phẩm hàng Việt, tạo điều kiện để hàng nội luôn là sự chọn lựa đầu tiên của người tiêu dùng.

K.D

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn