Cần tổ chức nhiều phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”

Cập nhật ngày: 17/08/2012 09:51:48

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong 6 tháng đầu năm, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh đã phối hợp với các ngành, các cấp và các doanh nghiệp tổ chức nhiều phiên chợ đưa “Hàng Việt về nông thôn” nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng nông thôn, thu hút hơn 18.000 lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm.


Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tổ chức ở khu công nghiệp SaĐéc

Ngoài ra, các phiên chợ còn tổ chức các hoạt động cộng đồng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối lâu dài với địa phương và chăm lo đời sống người dân, tọa đàm tư vấn kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân. Các phiên chợ mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng được đông đảo người tiêu dùng hưởng ứng, nhiều doanh nghiệp không đủ hàng phục vụ. Nhìn chung, thông qua các phiên chợ đã góp phần định hướng tiêu dùng và xây dựng văn hóa tiêu dùng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Tại các phiên chợ, Ban tổ chức còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi khảo sát thị trường, thông qua đó tìm hiểu nhu cầu mở đại lý của các tiểu thương. HTX Tràm Chim, huyện Tam Nông đang lập kế hoạch kết nối với một số doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đưa hàng về HTX phân phối cho tiểu thương trong chợ và các vùng lân cận. Đây là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, khảo sát thị trường, có kế hoạch đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Xem công tác tuyên truyền, vận động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Ban chỉ đạo cuộc vận động các cấp đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, xí nghiệp tổ chức tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa cuộc vận động “Phát huy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, sản xuất hàng Việt Nam bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, có sức cạnh tranh cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”. Bên cạnh đó, các thành viên Ban chỉ đạo phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đưa nội dung này gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các chương trình, mục tiêu, đề án quốc gia và các phong trào thi đua yêu nước khác; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tại Chi bộ, các chi tổ hội ở khu dân cư về ý nghĩa, mục đích của cuộc vận động, nâng cao nhận thức về khả năng sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước và địa phương.

Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã duy trì hoạt động hiệu quả của 9 Câu lạc bộ “Người tiêu dùng” và cửa hàng Việt Nam chất lượng cao ở xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười), hiện đang được triển khai nhân rộng tại các địa phương khác. Các cơ quan truyền thông của tỉnh thường xuyên thông tin quảng bá các sản phẩm trong nước chất lượng cao, các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, các phiên chợ bán hàng giảm giá, các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm, tư vấn kỹ năng giao tiếp mua bán hàng; nhận diện những loại hàng hóa kém chất lượng, hàng giả...

Ban chỉ đạo tỉnh và các huyện Tam Nông, Tân Hồng, Tháp Mười còn phối hợp với Hội Doanh nghiệp tỉnh làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp và các doanh nghiệp TPHCM về đầu tư phát triển mạng lưới phân phối ở một số chợ trung tâm, chợ đầu mối tại Đồng Tháp; tổ chức lớp huấn luyện người bán lẻ, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng, giới thiệu thị trường, văn hóa giao tiếp, cách trưng bày hàng hóa... do chuyên gia BSA hướng dẫn.

Trong phương hướng tới, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp các doanh nghiệp tăng cường các phiên chợ đưa “Hàng Việt về nông thôn”; phối hợp với Hội Doanh nghiệp tỉnh chủ động tìm đối tác phát triển mạng lưới phân phối ở những nơi có sức mua lớn; tổ chức nhân rộng mô hình câu lạc bộ “Người tiêu dùng” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; khảo sát chọn những địa bàn có khả năng tiêu thụ hàng hóa tốt, triển khai thí điểm hệ thống đại lý bán sỉ, bán lẻ và xây dựng một số siêu thị mi-ni nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

AQ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn