Chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, hạn hán

Cập nhật ngày: 12/03/2020 10:00:28

ĐTO - Hiện nay, tình hình thời tiết vẫn diễn biến khá phức tạp, hạn hán còn diễn ra đến cuối tháng 4 mới có dấu hiệu hạ nhiệt, nguy cơ thiếu nước, sạt lở, cháy rừng vẫn đang rình rập… Do đó, các địa phương phải có giải pháp ứng phó ngay từ bây giờ, không được chủ quan, lơ là. Đó là nhận định của ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng Tháp trong giai đoạn hiện nay.


Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh khá thuận tiện cho việc lấy nước tưới phục vụ sản xuất

Hạn hán vẫn còn diễn biến phức tạp

Theo Sở NN&PTNT, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đồng Tháp chưa ghi nhận diện tích thiệt hại do hạn hán gây ra. Tuy nhiên, dự báo mực nước các nơi trong tỉnh sẽ tiếp tục xuống thấp dần vào những tháng mùa khô, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,1- 0,3m và tương đương năm 2016, gây bất lợi cho sản xuất và đời sống của người dân.

Khi mùa khô đạt đỉnh, nhiệt độ cao nhất dao động từ 36-370C, Đồng Tháp có thể sẽ xảy ra thiếu nước tưới phục vụ sản xuất ở diện rộng. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, sẽ có khoảng 6.700ha không tiếp cận được nguồn nước. Bên cạnh đó, có khoảng 25.400 người dân nông thôn bị ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt do hạn hán.

Theo ông Võ Thành Ngoan, Đồng Tháp có hệ thống thủy lợi mở với các kênh rạch đan xen nhau, khá thuận tiện cho việc lấy nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô. Hiện, toàn tỉnh có 833 công trình kênh trục, kênh cấp 2 chiều dài khoảng 4.000km, diện tích phục vụ khoảng 485.200ha; có khoảng 2.200 cống các loại và trên 1.200 trạm bơn điện. Tuy nhiên, ở các vùng bờ cao, phụ thuộc vào triều cường như khu vực huyện Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười.... vào cao điểm, tình hình hạn hán dẫn đến nguy cơ thiếu nước có khả năng xảy ra, nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời.

Trước tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác nạo vét các công trình kênh trục, kênh tạo nguồn, khai thông luồng lạch đảm bảo cho việc lấy nước tưới phục vụ sản xuất. Đồng thời nhắc nhở các chủ trạm bơm điện duy tu, sửa chữa các máy bơm nước, điều chỉnh lượng bơm phù hợp nhằm đảm bảo lượng nước tưới cho sản xuất lúa của người dân. Riêng các vùng cây ăn trái của các địa phương hạ nguồn như huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung chú ý, vào thời điểm nước rong, bà con nên bí các đìa, cống tại vườn lại để trữ nước, chờ khi mùa mưa đến.


Các chủ trạm bơm điện chủ động công tác bơm tưới, đảm bảo lượng nước tưới cho sản xuất

Nguy cơ sạt lở, cháy rừng ở mức cảnh báo cao

Khô hạn không chỉ gây nguy cơ thiếu nước trong sản xuất, sinh hoạt mà còn gây sạt lở trên sông. Theo ông Võ Thành Ngoan, những năm gần đây tuy Đồng Tháp không ghi nhận các vụ sạt lở nghiêm trọng nhưng các vụ sạt lở nhỏ vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục (kể cả mùa khô và mùa mưa bão) tại các điểm trọng yếu của các huyện: Thanh Bình, Hồng Ngự, Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành gây thiệt hại không nhỏ đến đời sống của người dân. Đáng lưu ý là những năm gần đây, sạt lở nội đồng có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê trong năm 2019, thiệt hại tài sản do thiên tai gây ra là gần 40 tỷ đồng. Trong đó, sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu xảy ra tại 18 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố với tổng thiệt hại sạt lở khoảng gần 14 tỷ đồng. Đối với tình hình sạt lở nội đồng xảy ra tại 21 xã, phường, thị trấn của 4/12 huyện với tổng chiều dài 8,9km, diện tích 2,5ha, ảnh hưởng trực tiếp tới 34 hộ dân, ước thiệt hại khoảng 6,5 tỷ đồng. Đáng lưu ý là tình hình giông lốc, gió mạnh, sấm sét có dấu hiệu gia tăng. Trong năm 2019, thiệt hại do giông lốc, gió mạnh sấm sét đối với nhà cửa, công trình hạ tầng là 12,3 tỷ đồng, tăng 8 tỷ đồng so với năm 2018.

Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT tỉnh khuyến cáo các địa phương cần đặc biệt lưu ý đến công tác vận động người dân chằng néo nhà cửa, gia cố các công trình kết cấu hạ tầng phòng, chống gió mạnh, giông lốc gây thiệt hại trong mùa khô cũng như mùa mưa bão sắp diễn ra trong thời gian tới.

Đối với công tác ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông, hiện các địa phương vận động và hỗ trợ di dời được 70 hộ trong vùng sạt lở đến nơi an toàn. Nhưng số lượng hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở vẫn còn rất lớn, với tổng số 6.400 hộ. Do đó, các địa phương cần gấp rút triển khai các giải pháp di dời các hộ dân đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Theo dự báo ngành chức năng, mùa khô năm nay còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 khu vực ở mức cực kỳ nguy hiểm có khả năng cháy lớn và lan nhanh, tập trung ở các khu vực: Rừng phòng hộ biên giới; Gò Cát, Gò Trâu, Lau Vôi, Gò Tre thuộc khu A1 Vườn Quốc gia Tràm Chim; Trại Động Cát; khu vực kênh Hội Kỳ Nhất thuộc rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười và phía sau Khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp đề nghị các đơn vị chủ rừng, nhất là 5 khu vực ở mức cực kỳ nguy hiểm này cần theo dõi sát dự báo tình hình thời tiết, tăng cường tuần tra kiểm soát; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ nhằm đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng kịp thời.

Tại cuộc họp về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu ngoài việc đẩy mạnh phòng, chống hạn, sạt lở, cháy rừng, các địa phương cần lưu ý đến công tác phòng, chống xâm nhập mặn. Hiện nay, nguy cơ xâm nhập mặn tại Đồng Tháp chưa xảy ra, tuy nhiên các ngành, địa phương, nhất là các huyện cuối nguồn không nên chủ quan, lơ là, cần xây dựng kịch bản để chủ động ứng phó, nhất là việc xây dựng các công trình thủy lợi chống triều cường và xâm nhập mặn. Vì đây là khu vực trồng cây ăn trái lớn của tỉnh, nếu khả năng xâm nhập mặn xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn