Đồng Tháp

Có trên 462 tấn heo buộc phải tiêu hủy do dịch tả heo Châu Phi

Cập nhật ngày: 23/06/2019 06:27:13

ĐTO - Tính đến ngày 18/6/2019, toàn tỉnh có 405 hộ chăn nuôi tại 57 xã của 11/12 huyện, thị, thành có heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi, với số lượng tổng đàn gần 6.500 con. Trong đó, số lượng mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 6.300 con với tổng khối lượng heo tiêu hủy là 462 tấn.


Chống và dập dịch tả heo Châu Phi là trách nhiệm của toàn dân

Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, do điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ, thiết kế chuồng trại không đảm bảo và người chăn nuôi chưa thực hiện tốt các yêu cầu về an toàn sinh học là những nguy cơ làm dịch bệnh bùng phát cao. Dự kiến của ngành thú y, trong thời gian tới dịch bệnh sẽ còn tiếp tục xuất hiện với mức độ nhỏ lẻ, bình quân 1– 2 ổ dịch/ngày và kéo dài cho đến hết tháng 6/2019.

Mặc dù có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng và chống dịch tả heo Châu Phi nhưng thời gian qua tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trên do một bộ phận người dân vẫn chưa có ý thức cao trong việc bảo vệ đàn vật nuôi, vẫn còn tình trạng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ từ Nhà nước, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Để công tác chống và dập dịch hiệu quả, sớm khống chế dịch tả heo Châu Phi đang lan rộng, giúp người dân có thể sớm ổn định sản xuất, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, ngành thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần ý thức và tự bảo vệ đàn vật nuôi, vì đó là tài sản của mình, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ được ngành thú y tập trung toàn lực thực hiện trong thời gian tới, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ lậu, kinh doanh sản phẩm động vật không được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh của cơ quan thú y.

Ngoài ra, ngành thú y sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy trình tiêu hủy, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, đảm bảo dịch bệnh không lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, nhất là các trường hợp hỗ trợ tiêu hủy phải đúng đối tượng, đúng số lượng và khối lượng tiêu hủy. Không để các đối tượng gian lận, lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi và sớm hỗ trợ cho người chăn nuôi ổn định, tái sản xuất sau dịch bệnh...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn