Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho nông, thủy sản địa phương

Cập nhật ngày: 22/10/2016 06:37:37

ĐTO - Những năm qua, Sở Công Thương Đồng Tháp, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (KC&TVPTCN) thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trong việc xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp có nhiều sản phẩm nông, thủy sản chế biến chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng như: mít sấy, chuối sấy, khoai lang sấy, khô... Các hoạt động xúc tiến thương mại đã và đang tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nông, thủy sản chế biến thế mạnh của tỉnh trên thị trường. Bên cạnh đó, Sở Công Thương, Trung tâm KC&TVPTCN thường xuyên tổ chức những chuyến khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hỗ trợ cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất tìm kiếm các đối tác liên kết tiêu thụ nông, thủy sản; tham gia các hội chợ trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm. Tổ chức cho các DN tham gia các hội nghị kết nối cung cầu với các kênh phân phối hàng hóa nội địa và nước ngoài.

Cụ thể, hàng năm, Trung tâm KC&TVPTCN tổ chức cho các doanh nghiệp giới thiệu quảng bá sản phẩm bằng việc tham gia nhiều kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Trung tâm KC&TVPTCN còn hỗ trợ cho DN trong tỉnh gửi sản phẩm đi giới thiệu tại thị trường Lào.

Từ đầu năm 2016, Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ các DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Theo đó, hỗ trợ các DN tham dự chuyến đi khảo sát, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông, thủy sản ở các tỉnh miền Bắc và Đà Nẵng. Qua khảo sát tìm hiểu thị trường, một số DN, HTX, cơ sở sản xuất đã đạt thỏa thuận, ghi nhớ hợp tác liên kết tiêu thụ như: trước mắt các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty thương mại Hà Nội sẽ tiến hành thỏa thuận và thu mua các sản phẩm (trà lá sen, trái cây sấy khô, xoài sấy dẻo, mứt chuối phồng, chanh không hạt, các sản phẩm nem, bì mắm) để phân phối trong hệ thống và tiến tới xuất khẩu; Công ty xuất nhập khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) ký kết với các DN trong tỉnh trong việc thu mua trái cây sấy khô các loại để xuất khẩu; HTX Chanh Cao Lãnh đạt thỏa thuận cung cấp các mặt hàng trái cây cho Công ty TNHH MTV Đạt Tấn Phát, DN Vương Liên (TP.Đà Nẵng); DN trái cây sấy Hùng Tấn, đại diện Công ty TNHH Nam Huy Đồng Tháp hợp tác cung cấp sản phẩm trái cây sấy cho các DN tại miền Trung...

Nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản địa phương, Sở Công Thương, Trung tâm KC&TVPTCN cũng thường xuyên tổ chức nhiều cuộc khảo sát đi tìm hiểu thị trường tại TP.Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Tiến hành đưa những sản phẩm có tiềm năng vào hệ thống siêu thị tại Đà Nẵng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Vận động các DN địa phương có sản phẩm nông thôn tiêu biểu đưa vào điểm bán hàng tại phiên chợ “Tự hào hàng Việt”. Mặt khác, tổ chức hội nghị xúc tiến về hàng hóa của địa phương sản xuất, chế biến nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện để các tổ chức, hộ kinh doanh có cơ hội xúc tiến với các nhà phân phối lớn để từng bước cải tiến sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc. Cụ thể, việc liên kết tiêu thụ nông, thủy sản chế biến vẫn còn nhiều khó khăn, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất chưa chặt chẽ, thiếu bền vững. Mặt khác, việc thu mua sản phẩm nông sản thường qua nhiều khâu trung gian nên làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Công tác tiếp thị quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương còn yếu, việc hỗ trợ trực tuyến giúp người sản xuất còn hạn chế...

Để việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông, thủy sản địa phương dần đi vào chiều sâu, ông Mai Văn Đối - Giám đốc Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất nông, thủy sản thông qua các triển lãm, hội chợ; tích cực kết nối cung cầu cho một số DN đưa sản phẩm vào siêu thị. Việc này sẽ mở ra cơ hội quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu, tìm kiếm đầu ra bền vững cho những sản phẩm tiêu biểu của địa phương”.

Có thể nói, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là đối với những sản phẩm nông, thủy sản thế mạnh của tỉnh sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các DN, cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường và ký kết các hợp đồng kinh tế. Đồng thời, định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, giá trị nông, thủy sản được nâng cao, tiếp cận các thị trường lớn, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn