Để nông dân không bỏ GAP!

Cập nhật ngày: 17/12/2012 04:30:47

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2011, cả nước có trên 75.000ha cây trồng (trái cây, lúa, rau...) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cũng được áp dụng tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, trên bình diện cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng đang diễn ra một thực tế không vui: Do thị trường tiêu thụ không ổn định, giá nông sản sản xuất theo mô hình GAP không cao hơn - hoặc cao hơn không đáng kể - nên sau một thời gian theo đuổi, nông dân nhiều nơi không mặn mà với GAP.

Ở vùng ĐBSCL, được triển khai từ năm 2005, thế nhưng tới nay có trên 400ha cây ăn trái áp dụng GolbalGAP - một con số quá khiêm tốn đối với một vùng có gần 300.000ha trồng cây ăn trái! Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) được chứng nhận GolbalGAP khá sớm (2008 - 2009), nhưng 2 “hợp tác xã GolbalGAP” ở 2 địa phương này cũng đang đối mặt với khó khăn...

Áp dụng GolbalGAP, nông dân phải tuân thủ hàng trăm tiêu chí, đóng chi phí lên đến vài ngàn USD/mô hình để được công nhận. Nhưng sản phẩm “ra lò” giá bán lại không có ưu thế vượt trội so với sản phẩm sản xuất theo cách truyền thống. Đã vậy, sau một năm, nông dân không có kinh phí để được tái kiểm tra công nhận. Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân; trong đó “nổi cộm” là các mô hình áp dụng GAP lâu nay ở vùng ĐBSCL đều thực hiện thông qua sự tài trợ kinh phí (khi nguồn tài trợ không còn thì nông dân không đủ kinh phí để được kiểm tra tái công nhận). Mặt khác, do diện tích áp dụng GAP quá nhỏ, sản phẩm không đủ cung ứng cho đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp nên cũng không bán được giá cao.

Vì vậy, có thể thấy, việc tài trợ, hỗ trợ ban đầu cho nông dân áp dụng GAP là cần thiết. Tuy nhiên, để sản xuất nông sản nói chung, trái cây nói riêng áp dụng GAP phát triển bền vững, vấn đề cốt lỗi là cần đầu tư có trọng điểm. Theo đó, phải quy hoạch vùng sản xuất áp dụng GAP tập trung, có sự gắn kết giữa nhà nông - doanh nghiệp để sản phẩm đáp ứng yêu cầu về số lượng (đối với doanh nghiệp xuất khẩu), về giá cả (đối với nông dân). GAP không thể sản xuất theo kiểu phong trào, nơi nào cũng có vài mô hình áp dụng nhưng với diện tích quá nhỏ!

Lê Như Giang

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn