Doanh nghiệp giống lúa Thiên Đàng bẻ kèo, nông dân hoang mang

Cập nhật ngày: 21/05/2020 05:54:25

ĐTO - Trái với những lời quảng cáo như “rót mật vào tai” của Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp gieo sạ giống lúa Thiên Đàng phải “đứng ngồi không yên” khi doanh nghiệp (DN) này bẻ kèo. Điều quan trọng hơn là nông dân không biết giống lúa này chưa có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nên việc sử dụng giống lúa này gieo trồng là vi phạm pháp luật.


Nông dân Tổ hợp tác lúa giống chất lượng cao xã An Phú Thuận lo lắng vì doanh nghiệp bẻ kèo

Nông dân như “ngồi trên đống lửa”

Qua tìm hiểu, giống lúa Thiên Đàng còn có tên OM RUMA do Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng đứng tên thương mại. Địa chỉ trụ sở chính tại số 24 Quốc lộ 1A, ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Trong quá trình canh tác lúa Thiên Đàng, theo thỏa thuận với nông dân, Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng sẽ cung cấp lúa giống và thu mua lúa thương phẩm. Đồng thời, DN còn hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại Công nghệ Hoàng Gia (TP.Hồ Chí Minh) cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tương ứng với diện tích cung ứng giống.

Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng cam kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm do nông dân sản xuất. Theo đó, lúa giống Thiên Đàng được bán cho bà con canh tác với giá là 50.000 đồng/kg, đồng thời công ty cho nông dân nợ 50% tiền giống đến ngày thu hoạch. Ngoài ra, phía DN này cam kết thu mua với giá 8.000 đồng/kg (lúa đạt chất lượng theo quy định, công ty thanh toán 100% ngay tại ruộng cho nông dân). Hơn thế, công ty sẽ chịu trách nhiệm bồi thường lợi nhuận cho nông dân trong trường hợp nông dân canh tác không đạt lợi nhuận với mức là 2 triệu đồng/1.000m2.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong vụ lúa đông xuân 2019 - 2020, Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng liên kết sản xuất tiêu thụ với nông dân các xã: Tân Thành A, Tân Công Chí, Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng) với diện tích 39,5ha.

Trái với hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ, DN chỉ thực hiện tiêu thụ theo hợp đồng với diện tích 17ha, 22,5ha lúa còn lại (xã Tân Hộ Cơ), DN xin giảm giá thu mua xuống còn 7.000 đồng/kg, nhưng sau đó vẫn không thu mua. Hơn thế, DN này còn thỏa thuận nông dân tự bán lúa, DN sẽ bù lại giá tiền chênh lệch, bù thêm 2.000 đồng/kg nhưng bà con sản xuất lúa không chấp thuận và yêu cầu bồi thường lợi nhuận theo hợp đồng là 2 triệu đồng/1.000m2.

Trước tình cảnh DN bẻ kèo, sau khi thu hoạch lúa, nông dân bán cho thương lái bên ngoài với giá 5.000 đồng/kg, năng suất bình quân 4,2 tấn/ha. Theo ông Nguyễn Văn Tài - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng, trong vụ lúa đông xuân vừa qua, phía Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng thực hiện cung cấp giống lúa và bao tiêu sản phẩm, ký hợp đồng với từng hộ nông dân không có xác nhận địa phương, văn phòng công chứng. Hiện nay, một số diện tích thu hoạch, DN tiến hành hành thu mua nhưng không theo hợp đồng như ký kết ban đầu, gây thiệt hại cho nông dân”.

Chưa dừng lại đó, trong vụ hè thu 2020, Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng dự kiến sẽ ký kết sản xuất tiêu thụ tại xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành với diện tích 15ha. Đến nay, các trà lúa đã phát triển khoảng 60 ngày tuổi.

Theo ông Văn Công Ghi - Tổ trưởng Tổ hợp tác lúa giống chất lượng cao xã An Phú Thuận, ban đầu, phía DN cử người đến để đưa nội dung hợp đồng cho nông dân tham khảo. Sau đó, họ mang phân bón, thuốc BVTV giao cho nông dân xuống giống và đề ra quy trình chuẩn để sản xuất. Lúc này, đại diện DN có ngỏ lời gợi ý nông dân đưa trước tiền cọc (chi phí phân bón, thuốc BVTV) cho DN nhưng phía Tổ hợp tác chưa thống nhất. Sau khi lúa đến khoảng 20 ngày tuổi, phía Tổ hợp tác có trực tiếp gọi điện thoại với đại diện DN để hỏi về các vấn đề hợp đồng thỏa thuận thì người này cứ hẹn đi, hẹn lại nhiều lần.

Ông Phạm Minh Tấn - Bí thư kiêm Chủ tịch xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành cho biết: “Phía Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng đến trực tiếp Tổ hợp tác lúa giống chất lượng cao An Phú Thuận để giới thiệu cho nông dân về giống lúa Thiên Đàng, không thông qua chính quyền địa phương, ngành chức năng. Sau khi nhận được thông tin, chính quyền xã theo dõi chặt chẽ tình hình để có hướng giải quyết”.

Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, nắm bắt thông tin, ngành nông nghiệp tỉnh nhanh chóng phối hợp với các ngành chức năng, địa phương tuyên truyền cho người dân biết để không tham gia ký kết, sản xuất với Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng và Công ty TNHH Thương mại Công nghệ Hoàng Gia. Đồng thời, đơn vị còn phối hợp với Công an tỉnh Đồng Tháp mời 2 DN này đến làm việc, tuy nhiên vẫn chưa thể liên lạc được.


Gạo Thiên Đàng được giới thiệu mang nhiều chất quý có tác dụng tăng cường sức khỏe và chữa bệnh

Ngành chức năng lên tiếng

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, sản phẩm lúa Thiên Đàng của Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng không có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh và chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng theo quy định tại Điều 15 của Luật Trồng trọt.

Mặt khác, Công ty TNHH Giống lúa Thiên Đàng còn cho thấy hoạt động khá mờ ám. DN này tự ý ký kết với nông dân trong tỉnh để sản xuất, sau đó thu mua lúa nguyên liệu về phơi sấy, đóng bao lúa giống Thiên Đàng để tiếp tục quảng bá, cung cấp cho nông dân. Do đó, việc kinh doanh giống lúa này ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại cho nông dân. Ngoài ra, phía DN này còn vi phạm quy định về quản lý giống cây trồng có thể bị xử lý theo Nghị định số 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Trần Thanh Tâm - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp trực tiếp theo dõi cách sản xuất của nông dân với những trà lúa đã xuống giống. Đồng thời khuyến cáo nông dân nên thận trọng trong việc xuống giống khi chưa có DN ký kết hợp đồng, nhằm tránh xảy ra tình trạng tương tự. Khi có giống lúa mới du nhập, nông dân nên báo chính quyền, ngành chức năng để nắm thông tin và đưa ra khuyến cáo. Để đảm bảo sản xuất cho các vụ lúa tiếp theo, đơn vị cũng yêu cầu nông dân vụ sau nên cày xới trục đồng ruộng kỹ nhằm tránh độ lẫn tạp”.

 Nhằm đảm bảo nông dân sản xuất lúa ổn định, ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu việc sản xuất, kinh doanh sử dụng giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ là trái với quy định pháp luật về quản lý giống cây trồng. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân phát hiện vi phạm báo cho chính quyền địa phương và tham gia giám sát việc xử lý vi phạm. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa có năng suất cao thuộc các giống lúa chủ lực nằm trong kế hoạch sản xuất tại địa phương, phù hợp thị trường, phát triển theo hướng cánh đồng lớn có liên kết DN bao tiêu sản phẩm...

Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh giống lúa không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Duy trì thực hiện thường xuyên chế độ thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương về sử dụng giống lúa phục vụ sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc BVTV...

KHÁNH PHAN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn