Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế tỉnh nhà

Cập nhật ngày: 23/01/2020 05:24:45

ĐTO - Đồng Tháp trong tâm tưởng nhiều người vẫn là nơi “lịch sử gắn liền với nhiều huyền thoại”. Hơn một thập kỷ qua, nơi đây còn được biết đến như miền đất yên bình mang lại sự ổn định để doanh nghiệp và địa phương cùng phát triển...


Lãnh đạo tỉnh đến thăm Khu du lịch sinh thái quýt hồng Hưng Phát, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung

Doanh nghiệp khởi sắc trên miền đất yên bình

Trở thành một trong những tâm điểm được nhắc đến của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua, năm 2019, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì phát triển. Phong trào khởi nghiệp của địa phương phát triển mạnh mẽ với nhiều thành quả ấn tượng. Đến nay, nhiều sản phẩm khởi nghiệp đặc trưng của địa phương được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa. Năm qua, Đồng Tháp có 495 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 3.280 tỷ đồng, hiện toàn tỉnh có hơn 4.000 DN. Theo ngành công thương, các sản phẩm chủ lực của tỉnh trong năm duy trì hoạt động ổn định, có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018; xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD với các mặt hàng chủ lực là gạo, thủy sản, xoài, nhãn... Đây là nỗ lực lớn của cộng đồng DN trước sự cạnh tranh gay gắt bởi một số nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Ấn Độ... Qua đó cũng thể hiện sự đóng góp quan trọng của các thành phần kinh tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Được nhắc đến là địa phương điển hình có nhiều sự đổi mới, sáng tạo trong cộng đồng DN tỉnh nhà trong năm qua, Đồng Tháp có 15 DN, doanh nhân tiêu biểu được tôn vinh “Doanh nghiệp tiêu biểu ĐBSCL năm 2019”, “Doanh nhân tiêu biểu khu vực ĐBSCL năm 2019” và Danh hiệu “Cánh Sếu vàng - hành trình 10 năm một chặng đường” (2009 - 2019). Ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi cho biết: “Sự quan tâm, thấu hiểu của chính quyền địa phương là nguồn động lực quan trọng để DN chúng tôi không ngừng sáng tạo, phát triển trong những năm qua...”. DN Bích Chi cũng là đơn vị vinh dự nhận danh hiệu “Cánh Sếu vàng - hành trình 10 năm một chặng đường” (2009 - 2019). Với lịch sử phát triển ấn tượng, Bích Chi hiện có quy trình sản xuất hiện đại, các sản phẩm của đơn vị có mặt trên thị trường toàn quốc và quốc tế trong nhiều năm qua.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong năm 2019, Đồng Tháp đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể. Qua đó, góp phần hỗ trợ các DN khởi nghiệp của tỉnh tham gia giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương và tìm hiểu về công nghệ, dây chuyền sản xuất của các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ nông sản. Từ đây, đã góp phần tăng sức mua và tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN tỉnh nhà. Đây cũng là động lực góp phần hỗ trợ phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, phát triển những dự án mới và ý tưởng mới, như lời chia sẻ của anh Trương Lê Huy Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ambroyal, anh may mắn được tỉnh tạo điều kiện tham dự hội chợ quốc tế về thực phẩm và đồ uống ThaiFex 2019 (tổ chức tại Bangkok, Thái Lan). Từ chương trình này, anh học hỏi được nhiều kinh nghiệm, có góc nhìn, tư duy mới trong khâu nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm trước khi đưa ra thị trường nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí xuất khẩu hiện nay.

Đồng Tháp hiện cũng là miền đất có những DN đã và đang đầu tư những dự án lớn, có tính lan tỏa, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điển hình là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, DN hàng đầu trong ngành chế biến thủy sản; Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco là những đơn vị uy tín cả nước trong lĩnh vực dược phẩm; ở lĩnh vực chế biến thực phẩm, ngoài thương hiệu Bích Chi tiếng tăm còn phải kể đến tên tuổi nổi tiếng khác là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang... Đặc biệt, thời gian qua, tỉnh đã thu hút nhiều dự án FDI quan trọng như: nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ứng dụng công nghệ 4.0 của Công ty Mavin Austfeed (Australia), nhà máy thức ăn thủy sản của Công ty Cargill (Hoa Kỳ); Công ty Nghị Phong, Tỷ Thạc (Đài Loan) hoạt động trong ngành da giày, Công ty ONE - ONE Miền Nam (Nhật Bản) hoạt động trong ngành chế biến thực phẩm. Năm 2019, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC cũng đã triển khai các dự án phát triển đô thị trên địa bàn TP.Cao Lãnh và TP.Sa Đéc... Những dự án quan trọng này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương.


Doanh nghiệp tỉnh nhà giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Triển lãm Nhịp cầu Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp 2019 “Sản phẩm OCOP - Phát huy giá trị bản địa”

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong tình hình mới

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương: “Những năm qua, cả hệ thống chính trị của địa phương đã vào cuộc, đồng hành cùng DN, xem DN là động lực để phát triển. Trong bối cảnh nhiều đổi thay của kinh tế thế giới hiện nay, chính quyền tỉnh nhà luôn thấu hiểu rằng, các DN đang đứng trước rất nhiều áp lực cạnh tranh và những khó khăn nội tại..”. Để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã có những động thái tích cực như khẩn trương xây dựng khung pháp lý nền tảng cho sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng chiến lược phát triển DN Việt Nam giai đoạn mới với nền tảng là DN tư nhân và các tập đoàn kinh tế. Ở góc độ địa phương, Đồng Tháp đã giới thiệu các dự án quan trọng thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, năng lượng sạch để các nhà đầu tư quan tâm và nghiên cứu thực hiện. Đồng Tháp luôn cam kết bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho tất cả DN.

Điều đáng tự hào là nhiều DN sau khi chọn Đồng Tháp là nơi lập nghiệp đã xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Ông Nguyễn Anh Ngọc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Marine Functional Việt Nam (Nhà máy sản xuất đạm thủy phân và dầu) cho rằng, chính quyền tỉnh Đồng Tháp tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng Tháp cũng là nơi tạo nhiều thuận lợi để DN đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận, cách làm trong sản xuất kinh doanh, sáng tạo, từ đó tạo ra giá trị gia tăng, chủ động trong kinh doanh và gìn giữ, bảo vệ môi trường.

Đồng Tháp cũng xác định, kinh tế không thể phát triển, nông dân không thể khá lên nếu không thay đổi phương thức sản xuất, không có những DN mạnh làm đầu tàu. Để hỗ trợ tốt hơn cho DN, ngoài mô hình cà phê doanh nhân, công khai số điện thoại, địa chỉ email, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị qua báo chí và mạng xã hội, địa phương còn mở rộng thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, thực hiện kê khai thuế và đăng ký kinh doanh qua mạng... Đồng Tháp cũng thành lập Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nơi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ DN trong mọi hoạt động.

Nhằm tạo sự gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn chung của DN trên địa bàn tỉnh, chính quyền tỉnh nhà còn quan tâm đồng hành cùng DN thông qua những chương trình gặp gỡ, họp mặt. Đây cũng là dịp chính quyền địa phương và DN trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN... Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn tổ chức các chương trình hội thảo chuyên đề tạo điều kiện gặp gỡ các chuyên gia nổi tiếng. Qua đó, DN có cơ hội tiếp cận thông tin chuyên đề về nông nghiệp công nghệ cao; kinh nghiệm về xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quan trọng... Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng mở nhiều lớp cập nhật thông tin để DN có điều kiện tiếp cận với những quy định mới trong các hiệp định thương mại... Đây cũng là cách chính quyền và cộng đồng DN tỉnh nhà cùng nhau “vui vì những kết quả đạt được” đồng thời chia sẻ những khó khăn, bất ổn thị trường và bất trắc trên thương trường.

Năm 2019 cũng là năm tiếp tục thành công của chủ trương khởi nghiệp của địa phương, ý chí, khát vọng của những cánh chim trong Đàn sếu khởi nghiệp. Trong vai trò là cánh chim đầu đàn, năm qua, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh đã có những định hướng quan trọng cho các startup tỉnh nhà về phát triển thị trường sản phẩm, xây dựng thương hiệu... Đặc biệt, trong vai trò Chủ nhiệm, thông qua hoạt động của Câu lạc bộ, ông Nguyễn Quốc Định (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm) đã có nhiều chia sẻ thiết thực với các startup về tư duy vươn ra lớn mạnh với những thị trường tiềm năng; kinh nghiệm về sự liên kết, hợp tác giữa các DN để khai thác được tiềm năng giữa các bên nhằm hướng đến phát triển bền vững, các bên đều có lợi.

Là á quân trong bảng xếp hạng PCI 2018, báo cáo PCI 2018 do VCCI công bố cho rằng, Đồng Tháp đang nỗ lực xây dựng thương hiệu địa phương theo ý tưởng giản dị, gần gũi của Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan: “Thương hiệu (Đồng Tháp) là cái hiệu để người ta thương, mỗi khi nhớ đến, nhắc đến, đều gợi cho mọi người nghĩ về những ấn tượng tốt đẹp”. Theo VCCI, các DN dân doanh Đồng Tháp cho biết, họ đang được hoạt động trong môi trường kinh doanh bình đẳng nhất so với các tỉnh, thành phố khác, đo lường bởi chỉ số thành phần Cạnh tranh bình đẳng trong PCI 2018.

Đồng hành cùng DN đã trở thành “thương hiệu” của Đồng Tháp trong những năm qua. Bên cạnh đó, những đóng góp trên nhiều phương diện của cộng đồng DN tỉnh nhà thời gian qua là nguồn động lực để địa phương không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nghiên cứu lại toàn bộ dữ liệu khảo sát gốc từ năm 2006 đến nay cho thấy, Đồng Tháp là địa phương duy nhất trên cả nước có mức độ cải thiện ổn định tăng dần qua các năm, 11 năm liên tiếp nằm trong nhóm dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Điều này khẳng định vai trò chỉ đạo, năng lực điều hành của các cấp chính quyền tỉnh nhà trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện, sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn