Đòn bẩy từ công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 10/04/2025 11:04:25

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250410110511dt2-7.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, công tác triển khai chuyển đổi số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện sâu rộng. Người dân ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ số vào hoạt động sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả về năng suất, chất lượng sản phẩm, đưa nền nông nghiệp của tỉnh dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.


Đại diện Công ty Cổ phần RYNAN Technologies VietNam giới thiệu với lãnh đạo tỉnh về Hệ thống giám sát phát thải khí methane thông minh tại Diễn đàn khởi nghiệp 
đồng bằng sông Cửu Long lần II năm 2024

Nhiều kết quả nổi bật

Trên tinh thần Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố. Theo đó, kết quả thực hiện đến năm 2024 đạt 12/12 chỉ tiêu. Trong đó có 6 chỉ tiêu vượt so kế hoạch. Cụ thể, đối với chính quyền số có 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) thực hiện đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn phần, một phần vượt 3% so kế hoạch năm 2024, đạt 100% so với kế hoạch đến năm 2025. Đồng thời có 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (từ tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; vượt 10% so với kế hoạch năm 2024, đạt 100% so với kế hoạch đến năm 2025.

Đối với kinh tế số, các chỉ tiêu vượt là lũy kế có 20 hội quán có ứng dụng IoT vào sản xuất; tăng 16 hội quán so năm 2023, vượt 11 hội quán so với kế hoạch năm 2024 và vượt 13 Hội quán so với kế hoạch đến năm 2025; lũy kế có 25% hội quán, hợp tác xã (HTX) ứng dụng Internet vạn vật vào sản xuất (IoT); có 22,5% hội quán, HTX ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử thông qua Tổ Công nghệ số cộng đồng đạt và vượt so với kế hoạch năm 2024 và đến năm 2025. Tư vấn hỗ trợ trên 58% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử đạt và vượt 8% so với kế hoạch năm 2024 và 3% đến năm 2025.

Đối với nhóm xã hội số, thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ, tư vấn cho 162.283/259.396 nông dân (chiếm 62,56%) biết ứng dụng IoT vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, cách thức quảng bá trực tuyến, buôn bán trực tuyến đạt và vượt 12,56% so kế hoạch năm 2024, vượt 2,56% so với kế hoạch đến năm 2025.

Thực hiện các nhiệm vụ giải pháp của đề án về phát triển hạ tầng kỹ thuật, bước đầu, tỉnh triển khai lắp đặt và vận hành 17 hệ thống giám sát côn trùng thông minh tại các vùng sinh thái trồng lúa và cây ăn trái. Đồng thời, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án hệ thống nền tảng nông nghiệp số tại Quyết định số 160/QĐ-UBND.HC ngày 28/02/2024, bố trí nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng thiết bị cho công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp nhằm xây dựng mạng lưới giám sát tự động, nhanh chóng, độ chính xác cao. Đây được xem là những yếu tố dẫn dắt công nghệ tỉnh nhà trong tiến trình chuyển đổi số.

Trong công tác phát triển nền tảng số, dữ liệu số, tỉnh thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao nghiên cứu phát triển Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp tại địa chỉ https://vdapes.com với 6 phân hệ chính, gồm: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi, Thú y; Thủy sản; Phát triển nông thôn; Thủy lợi; Lâm nghiệp. Đồng thời thực hiện chia sẻ, tích hợp dữ liệu của ngành tài nguyên và môi trường nhằm chia sẻ dữ liệu quản lý để phục vụ công tác cảnh báo, dự báo đối với các tác động của môi trường (đất, nước, không khí) cùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đến nay, nhiệm vụ thí điểm thực hiện Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp cơ bản hoàn thành, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho địa phương và có khả năng nhân rộng trong khu vực và toàn quốc.

Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất

Việc triển khai thiết bị giám sát mặt đất giúp thu thập dữ liệu tự động và số hóa quy trình canh tác tại một số mô hình cho các sản phẩm chủ lực được tỉnh chú trọng. Theo đó, lắp đặt 6 Trạm quan trắc nước thông minh; 17 Trạm giám sát côn trùng thông minh phục vụ công tác triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ IOT, trí tuệ nhân tạo AI tự động thu thập dữ liệu canh tác phục vụ cảnh báo, dự báo, truy xuất nguồn gốc cho các đối tượng nông sản chủ lực, đồng bộ dữ liệu lên nền tảng truy xuất nguồn gốc đã xây dựng.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh hình thành một số mô hình về chuyển đổi số nông nghiệp. Đơn cử như mô hình thí điểm “Xã thương mại điện tử Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp”, trong đó nông dân ở các HTX, tổ hợp tác, hội quán biết và khai thác ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, mua bán trực tuyến...

Huyện Cao Lãnh xây dựng hệ thống Tem QR để quét mã vạch cung cấp cho HTX kích hoạt tem QR code truy xuất nguồn gốc trên quả xoài;  xây dựng Ứng dụng di động “Cao Lãnh đồng hành” tích hợp các phân hệ. Đối với huyện Tam Nông phối hợp với Viện Biến đổi khí hậu - Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và các chuyên gia của Mekong Organics, Công ty TNHH Wildbird tổ chức canh tác lúa hữu cơ sinh thái, tái sinh và thương mại cho nông dân trên địa bàn huyện.

Đáng chú ý, hầu hết các huyện, thành phố đã áp dụng mô hình nông nghiệp thông minh với hệ thống tưới tiêu tự động, sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc và bón phân, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Hệ thống giám sát từ xa và điều khiển tự động hóa giảm thiểu công lao động, nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Về triển khai thực hiện mô hình Làng thông minh áp dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2024, có 6 mô hình Làng thông minh được công nhận.

Với những kết quả đạt được, năm 2025, tỉnh đề ra một số chỉ tiêu thực hiện Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Đối với nhóm Chính quyền số, duy trì 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp (do Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện) đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần, duy trì 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật. Duy trì 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (từ tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; duy trì 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số để sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản cho yêu cầu công việc.

Nhóm kinh tế số, hoàn thành cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (tỉnh, huyện, xã); xây dựng nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh. Lũy kế xây dựng 7 Làng thông minh; xây dựng thêm ít nhất 7 hội quán ứng dụng IoT vào sản xuất; có 20% hội quán, HTX có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng. Hoàn thiện mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ số và thiết bị giám sát IoT, viễn thám giúp thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành thông qua nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số. Duy trì 100% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP có mặt trên các sàn thương mại điện tử; tư vấn hỗ trên 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Nhóm xã hội số, thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ khuyến nông cộng đồng, hỗ trợ, tư vấn cho trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, cách thức quảng bá trực tuyến, buôn bán trực tuyến.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn