Giảm chi phí sản xuất nhờ “nói không” với thuốc hóa học

Cập nhật ngày: 26/12/2019 06:29:34

ĐTO - Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ sức khỏe cộng đồng có sức lan tỏa mạnh mẽ tác động đến nhiều nông dân tại Đồng Tháp. Mới đây, tại xã Tân Thuận Tây (TP.Cao Lãnh), bà con nông dân thực hiện nhiều giải pháp giúp cho nhà vườn thu được kết quả tích cực. Cụ thể như giải pháp ủ chế phẩm sinh học từ các loại thảo dược có sẵn tại địa phương (gừng, tỏi, ớt) để phòng trừ sâu hại; giải pháp tự sử dụng các phế phẩm nông nghiệp, rác hữu cơ ủ thành phân hữu cơ bón cho đất vườn xoài...


Một số loại chế phẩm được ủ từ gừng, tỏi, ớt cộng với rượu trắng của ông Những

Được địa phương giới thiệu, chúng tôi đến nhà lão nông Đặng Văn Những, thành viên Tổ hợp tác (THT) sản xuất xoài theo hướng hữu cơ sinh học xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh. Đang dở tay với mẻ phân hữu cơ chuẩn bị ủ hoai, ông Những vui vẻ cho biết: “Hơn 1 năm qua, tôi và nhiều anh em trong THT hầu như không phải tốn tiền mua thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh hại xoài như trước. Thay vào đó, chúng tôi có bí quyết riêng để tiêu diệt sâu rầy. Bây giờ vườn xoài cũng hạn chế bón phân hóa học, phân hóa học chỉ được bón vào những giai đoạn cần thiết, còn lại hầu như chúng tôi sử dụng hoàn toàn là phân hữu cơ và chế phẩm hữu cơ tự ủ. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến dần đến việc sử dụng phân hữu cơ hoàn toàn cho cây xoài”.

Hơn 1 năm qua, cùng với ông Những, nhiều nhà vườn trồng xoài trong THT sản xuất xoài theo hướng hữu cơ sinh học Tân Thuận Tây hầu như không phải tốn nhiều chi phí để mua thuốc hóa học để phòng trị sâu rầy hại xoài. Thay vào đó bằng cách tự ủ dung dịch từ gừng, tỏi, ớt với rượu trắng, các nhà vườn ở đây đã tạo ra nhiều loại chế phẩm trở thành “khắc tinh” của nhiều loại sâu bệnh hại trên cây xoài.

Công thức và quy trình để sản xuất những dung dịch sinh học này vô cùng đơn giản. Nông dân ở đây sử dụng gừng, tỏi, ớt xay nhuyễn ngâm với rượu trắng, tỷ lệ 1:1 (1 ký thảo dược ngâm với 1 lít rượu trắng) ngâm khoảng 10 - 15 ngày là có thể đem ra phun xịt. Tùy vào loại thảo dược được pha chế sẽ có những công dụng phòng trừ sâu bệnh khác nhau. Ví dụ, dung dịch được ngâm ủ từ gừng và rượu trắng sẽ có tác dụng phòng trừ sâu, bướm, bọ xít... Đối với dung dịch được ngâm ủ từ tỏi, ớt và rượu trắng khi phun xịt sẽ là khắc tinh của một số sâu hại tấn công bông xoài như: bọ trĩ, sâu lông, bươm bướm. 1 lít dung dịch sinh học sẽ pha được từ 100 – 150 lít nước. So với việc sử dụng thuốc hóa học thì việc tự ủ chế phẩm sinh học sẽ giúp nhà vườn tiết kiệm được chi phí đầu tư rất nhiều. Trong khi đó, hiệu quả phòng trừ sâu hại của chế phẩm sinh học không hề thua kém bất kỳ loại thuốc hóa học nào.


Ông Đặng Văn Những chuẩn bị ủ mẻ phân hữu cơ mới để bón cho vườn xoài

Bên cạnh việc sử dụng chế phẩm sinh học tự chế, nhà vườn tại THT này còn tự ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh học và phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp để tăng cường dinh dưỡng cho đất trồng. Theo ước tính của nhà vườn, trước đây, trung bình 1 năm chi phí đầu tư cho một công xoài (1.300m2), nhà vườn phải bỏ ra từ 9 – 10 triệu đồng. Trong khi đó, hiện nay với việc sử dụng các chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ tự chế đã giúp nhà vườn tiết kiệm khoảng từ 40 – 50% chi phí đầu tư. Con số này không những có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn mang lại tác động xã hội rất lớn.

Nhờ những thay đổi trong sản xuất và kiểm soát chặt chẽ khâu đầu vào nên sản phẩm xoài của nhà vườn trong THT đều đáp ứng các tiêu chí khắt khe của doanh nghiệp thu mua. Trong năm 2019, với hầu hết sản lượng xoài thu hoạch được, THT đều được Công ty An Thiên Thảo, tỉnh Lâm Đồng bao tiêu với mức giá từ 22 ngàn - 25 ngàn đồng/kg. Với nhiều nhà vườn, đây là mức giá mơ ước, bởi theo ý kiến của nhiều nhà vườn thì xoài cát chu giá cố định khoảng từ 15.000 – 18.000 đồng/kg thì nhà vườn đã có lãi.

Chia sẻ về sáng kiến quản lý dịch hại bằng chế phẩm sinh học “tự chế” và sản xuất xoài theo hướng hữu cơ của các thành viên trong THT, ông Lê Thanh Tùng - Tổ trưởng THT sản xuất xoài theo hướng hữu cơ sinh học xã Tân Thuận Tây cho biết, thời gian gần đây, với sự tuyên truyền của Nhà nước và cơ quan báo, đài, chúng tôi hiểu chỉ có thay đổi kỹ thuật canh tác thì mới có thể gắn bó bền lâu với nghề nông. Với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân chúng tôi thay đổi tập quán canh tác, giảm dần việc sử dụng các thành phần hóa học trên vườn xoài. Thay vào đó, việc quản lý sâu rầy, dịch hại sẽ được kiểm soát bằng các chế phẩm sinh học được bào chế từ các loại thảo dược có sẵn tại địa phương. Dinh dưỡng của đất được trả lại bằng các nguồn phân hữu cơ được ủ hoai từ động thực vật tại chỗ. So với cách làm cũ thì sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ mất nhiều công sức và thời gian hơn, nhưng đổi lại nhà vườn không còn phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, hơn nữa từ ngày sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học nông dân chúng tôi tự tin với sản phẩm của mình làm ra hơn.

Đánh giá về tính hiệu quả mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ của THT, ông Đặng Thanh Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Tây cho biết: “Hiện THT sản xuất xoài theo hướng hữu cơ sinh học Tân Thuận Tây có khoảng 30 thành viên theo đuổi mô hình canh tác xoài theo hướng hữu cơ. Với tổng diện tích trên 20ha, trong năm tới, địa phương dự kiến vận động nhiều nhà vườn khác tham gia nhiều hơn vào mô hình sản xuất này. Bởi địa phương nhận định, để phát triển mô hình nông nghiệp bền vững thì việc sản xuất gắn với trách nhiệm cộng đồng là con đường phát triển tất yếu”.

Minh Nhật

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn