Hội Làm vườn tỉnh
Giúp nhà vườn và doanh nghiệp tìm được “tiếng nói chung”
Cập nhật ngày: 09/08/2017 11:12:56
ĐTO - Với chức năng của mình, thời gian qua, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh đã làm tốt vai trò cầu nối để người nông dân và doanh nghiệp tìm được “tiếng nói chung” thông qua liên kết tiêu thụ nông sản.
Ông Trần Văn Tuấn chăm sóc vườn cây thanh long
Cầu nối cho trái cây Đồng Tháp
Nhằm giúp việc liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nhà vườn được thuận lợi hơn, thời gian qua, HLV tỉnh chủ động kết hợp vừa tuyên truyền vừa hướng dẫn thực tế cho nhà vườn tại các hội quán, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) về sản xuất trái cây theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP.
HLV các cấp luôn phối hợp với ngành nông nghiệp để hướng dẫn nhà vườn cách phòng trị bệnh trên cây ăn trái, sản xuất theo hướng an toàn, rải vụ. Đối với những vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả, HLV vận động nông dân chuyển đổi sang những loại cây ăn trái có lợi nhuận kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu.
Để gắn chặt hơn mối quan hệ giữa nhà vườn và doanh nghiệp, việc phát triển kinh tế hợp tác được Hội đặc biệt quan tâm. 6 tháng đầu năm 2017, HLV thành lập mới 7 THT sản xuất trái cây theo hướng an toàn tại huyện Lấp Vò, Lai Vung, TP.Cao Lãnh, nâng tổng số THT trong toàn tỉnh lên 71 tổ.
Ngoài ra, HLV còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, Ngân hàng HD Bank Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ vốn cho hội viên xây dựng hầm Biogas, phát triển kinh tế vườn với tổng số vốn khoảng 1,6 tỷ đồng.
Từ sự hỗ trợ của Hội đã giúp cho việc liên kết tiêu thụ giữa nhà vườn và doanh nghiệp diễn ra khá tốt. Trong 6 tháng đầu năm, HLV kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiêu thụ các loại trái cây chủ lực (quýt đường, cam, mận, nhãn, xoài) cho bà con nhà vườn. Cụ thể, sản lượng trái cây phục vụ thị trường trong nước gần 37.000 tấn và thị trường ngoài nước là trên 850 tấn.
Ông Tống Văn Phong - THT quýt đường Vĩnh Thới cho biết: “Ngay khi bắt tay vào sản xuất, chúng tôi đã chọn quy trình canh tác theo hướng GloabalGAP để tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình, giúp việc liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp được thuận lợi. Và THT đã được doanh nghiệp tiêu thụ với giá cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng/kg quýt so với thị trường”.
Theo ông Huỳnh Thanh Bá - Công ty TNHH Nông sản Cao Lãnh (huyện Cao Lãnh), hiện nay nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đối với trái xoài tỉnh nhà rất lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nhà vườn phải sản xuất ra sản phẩm đạt yêu cầu, đáp ứng những tiêu chí mà người tiêu dùng đặt ra.
Nhà vườn đừng tự hài lòng
Khi một số nhà vườn thay đổi tư duy canh tác để tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thụ trường thì cũng còn không ít nhà vườn quen với hướng canh tác cũ, chỉ quan tâm đến năng suất và thiếu liên kết trong canh tác.
Ông Trần Văn Tuấn - Tổ trưởng THT thanh long ruột đỏ xã Phú Hựu (huyện Châu Thành) cho biết: “Khi doanh nghiệp đặt vấn đề liên kết tiêu thụ với THT, họ yêu cầu 2 vấn đề, sản phẩm phải có nhãn hiệu và được canh tác theo hướng an toàn. Việc sản xuất theo hướng an toàn không chỉ tạo đầu ra tốt mà còn bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Hiện nay, khi Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, nông sản của mình có thể cập bến các nước khác thì cũng không thiếu sản phẩm cùng loại được nhập về. Vì vậy, nếu không thay đổi tư duy trong canh tác, tạo ra những loại nông sản sạch và khác biệt thì khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước bạn”.
Theo ông Huỳnh Thanh Bá, dù thời gian qua sản phẩm xoài tỉnh nhà đã đến được một số thị trường khó tính như Úc, Nhật, Hàn Quốc... nhưng sản lượng vẫn còn thấp. Nguyên nhân do nhà vườn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nước sở tại (trọng lượng trái, màu sắc). Vì vậy, HLV và ngành nông nghiệp cần hướng dẫn nông dân thêm việc canh tác xoài theo đúng quy trình nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Riêng nông dân trồng nhãn Phạm Hữu Hiện ngụ xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho rằng, ngành chức năng cần phải nghiên cứu để tạo ra những cây giống chất lượng, tạo ra những sản phẩm ưu việt mà người tiêu dùng cần. Bởi hiện nay, các nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp họ luôn tạo ra các giống mới.
Y DU