Hành trình ra “biển lớn”

Cập nhật ngày: 24/09/2014 05:11:28

Vừa qua, tại buổi tọa đàm “Những vấn đề đặt ra đối với hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của nước ta trong tình hình mới” (do UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tại TP. Cao Lãnh), thông qua những tham luận, trao đổi, các chuyên gia nhận định các địa phương cần chuẩn bị hành trang vững chắc cho việc vươn mình ra “biển lớn” - hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là tiến tới tái cơ cấu kinh tế.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, xu thế liên kết kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát triển mạnh mẽ và trở thành điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của các nước nhằm phục hồi kinh tế. Điển hình là hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nắm bắt xu thế quốc tế, nước ta chủ động tham gia các FTA, coi đây là trọng tâm trong triển khai chính sách đối ngoại, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.

Theo Vụ Hợp tác kinh tế đa phương (Bộ Ngoại Giao) gia nhập FTA cũng mang nhiều cơ hội và kèm theo nhiều thách thức. Tham gia các FTA, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường với mức thuế ưu đãi của 55 đối tác chiếm 90% GDP toàn cầu, đồng thời là dịp đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực dành cho các thành viên đang phát triển khi tham gia FTA, đồng thời tạo cú hích mạnh mẽ cho cải cách, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần phù hợp với luật chơi mới.

Song vấn đề đi kèm là sự đối mặt với những thách thức không nhỏ khi nước ta là nước phát triển ở trình độ thấp hơn so với các đối tác FTA, năng lực thực thi, canh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp còn hạn chế. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đối mặt với áp lực canh tranh gay gắt ngay trên thị trường trong nước, nhất là một số ngành hoạt động theo phương thức nhỏ lẻ, chất lượng hàng hóa thiếu tính cạnh tranh. Những yếu tố đó, có thể doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm...

Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Trong xu thế phát triển chung, nhu cầu đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được xem là chìa khóa cho sự đổi mới toàn diện, không chỉ của tỉnh nhà mà còn các tỉnh, thành cả nước”.

Theo ông Cao Trần Quốc Hải - Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác Kinh tế đa phương (Bộ Ngoại giao) trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các địa phương ở khu vực đồng bằng sông sông Cửu Long cần tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế gắn với việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về việc triển khai các nhiệm vụ sau khi gia nhập WTO, tập trung xây dựng chương trình hành động nâng cao nhận thức các địa phương doanh nghiệp xã hội về thách thức và cơ hội của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Quan trọng hơn, địa phương cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Trong quá trình này, nên có đánh giá sâu tác động, bổ sung dự báo cơ hội và khó khăn thách thức của các FTA mà ta tham gia để xác định thứ tự ưu tiên và lộ trình tái cơ cấu, nguồn kinh phí...

Theo đó, địa phương tự đánh giá khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, dịch vụ và từng doanh nghiệp để có biện pháp nâng khả năng tính cạnh tranh của những ngành còn yếu. Đối với các ngành chủ lực có chính sách chuyển dần từ gia công sang tự xuất khẩu.

Chú trọng khai thác thị trường trong nước, phát triển vùng kinh tế trọng điểm gắn kết hài hòa giữa phát triển nông thôn và thành thị, chủ động tổ chức các đoàn tìm kiếm, mở rộng thị trường tiềm năng, thiết lập các mối quan hệ hợp tác với nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là những vấn đề các địa phương cần thực hiện...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn