Huyện Hồng Ngự củng cố, phát triển hợp tác xã

Cập nhật ngày: 10/09/2020 05:15:08

ĐTO - Những năm qua, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) của huyện Hồng Ngự gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi hoạt động. Nhưng được sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng với sự tự chủ, nỗ lực vươn lên của các hợp tác xã (HTX), khu vực KTTT của huyện đã từng bước được củng cố. Tính đến tháng 7/2020, toàn huyện có 13 HTX đang hoạt động, trong đó có 12 HTX nông nghiệp và 1 HTX tiểu thủ công nghiệp. KTTT đã và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm,... cho nông dân, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của huyện.

Phát triển các loại hình KTTT, trong đó có tổ hợp tác (THT) luôn được UBND huyện đẩy mạnh, từ đó làm cơ sở phát triển thành HTX. Đến nay, toàn huyện có 35 THT với 402 thành viên tham gia, đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. So với thời điểm năm 2015, tăng 5 THT với 52 thành viên. Tổng vốn hoạt động của THT khoảng 2.000 triệu đồng, doanh thu bình quân trên 130 triệu đồng/THT. Doanh thu thấp do các THT hoạt động chủ yếu tương trợ, làm dần công cho nhau, tạo điều kiện cho thành viên có việc làm, ổn định đời sống và thu nhập. Thu nhập bình quân của thành viên THT khoảng 40 triệu đồng/năm. Qua đánh giá, có khoảng 80% THT hoạt động hiệu quả, có điều kiện phát triển trong thời gian tới.

Phát triển HTX theo mô hình HTX kiểu mới, huyện vừa củng cố, đổi mới và phát triển, vừa kiên quyết giải thể các HTX ngừng hoạt động, không còn khả năng củng cố. Ước đến ngày 31/12/2020, toàn huyện có 15 HTX với 2.039 thành viên tham gia, tổng số vốn điều lệ 22.581 triệu đồng và 100% HTX đã chuyển đổi, hoạt động đúng Luật HTX năm 2012. Quy mô và chất lượng hoạt động ngày càng tăng cao, qua đánh giá có 15/15 HTX hoạt động hiệu quả. So với năm 2015, bình quân có 136 thành viên/HTX, tăng 68 thành viên, đạt 1.505 triệu đồng vốn điều lệ/HTX (tăng hơn 1,5 lần) và đạt 11 triệu đồng/thành viên (tăng 2 triệu đồng/thành viên); doanh thu bình quân ước năm 2020 đạt 1.500 triệu đồng/HTX, lãi bình quân của 1 HTX đạt 250 triệu đồng (tăng 1,74 lần), giải quyết việc làm cho 20 lao động/HTX (thu nhập từ 2,5 - 3,2 triệu đồng/lao động/tháng). Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý HTX ngày càng được nâng lên rõ rệt, đến nay có 79/192 cán bộ quản lý HTX đạt trình độ từ sơ cấp trở lên.

Phát huy vai trò là trung tâm liên kết của chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, nhiều HTX đã thực hiện tốt việc lựa chọn các cơ sở cung cấp sản phẩm đầu vào với giá cả hợp lý và chất lượng ổn định, đồng thời tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, tạo tâm lý an tâm sản xuất.

Tổng số vốn điều lệ của 15 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 22.071 triệu đồng. Doanh thu bình quân năm 2020 ước đạt 1.500 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân ước 250 triệu đồng/HTX/năm. Hầu hết các HTX nông nghiệp hoạt động từ 2 ngành nghề trở lên đáp ứng nhu cầu của thành viên HTX và của nông dân trong địa bàn huyện, chủ yếu là tổ chức dịch vụ sản xuất cho thành viên gồm các khâu: tưới tiêu nước, làm đất, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ vốn thành viên. Nhìn chung hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển, từng bước khẳng định HTX là một thành phần kinh tế quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho các hộ nông dân để tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, là cầu nối gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên.

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, HTX Dệt choàng Long Khánh, xã Long Khánh A thành lập cuối năm 2015, được xem là tiềm năng và lợi thế của huyện trong việc phát huy tiềm lực sẵn có của địa phương và giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi. Hiện nay, HTX với 24 thành viên, vốn điều lệ 510 triệu đồng. HTX Dệt choàng Long Khánh tích cực kêu gọi các thợ của làng nghề tham gia làm thành viên HTX, mở rộng vốn và tổ chức hoạt động.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn