Huyện Lai Vung tập trung phát huy giá trị các làng nghề truyền thống

Cập nhật ngày: 16/01/2025 05:20:56

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250116052147dt2-1.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, ngành chức năng của huyện Lai Vung có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống, làng nghề theo hướng hài hòa giữa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với nền kinh tế thị trường. Điều này góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân...


Thời gian qua, Làng nghề nem Lai Vung thu hút du khách gần xa thông qua loại hình du lịch trải nghiệm

“Thắp lửa” cho làng nghề phát triển

Theo UBND huyện Lai Vung, toàn huyện hiện có 6 làng nghề truyền thống được công nhận gồm: nghề làm nem Lai Vung; nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu; nghề trồng hoa giấy; nghề đan lờ, lọp; nghề đan cần xé; nghề đan bội. Trong đó, Làng nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu và nghề làm Nem Lai Vung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn một số ngành nghề khác cũng có tiềm năng phát triển như: nghề chất nấm rơm (xã Tân Hòa, Vĩnh Thới, Hòa Long), sản xuất cốm gạo, cốm bắp (xã Tân Thành), bánh tráng (xã Tân Phước), nghề phơi và đan lục bình...

Thời gian qua, các ngành, các cấp của huyện tập trung thực hiện tốt những giải pháp nâng cao giá trị làng nghề truyền thống. Trong đó, quảng bá giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; phát triển một số điểm tham quan vườn quýt hồng và một số điểm cây ăn trái khác như: mận, dâu, thanh long... để thu hút thêm lượng khách đến tham quan, tạo đa dạng các mặt hàng lưu niệm tại từng điểm du lịch. Đa số chủ các điểm tham quan liên kết với các làng nghề đóng xuồng, ghe; đan lờ, lọp tạo những sản phẩm với kích thước nhỏ gọn bằng những vật liệu gỗ để du khách mua làm quà lưu niệm...

Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề luôn được lãnh đạo huyện và chính quyền địa phương, các hộ tham gia sản xuất trong làng nghề quan tâm thực hiện tốt. Trong đó, các làng nghề đã được UBND huyện cấp phương án bảo vệ môi trường. Đồng thời phát triển làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ làm nghề thuộc các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP. Hiện, huyện có 18 sản phẩm nem của 5 cơ sở và 2 sản phẩm cốm của 2 cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao...

Gắn bó với nghề làm nem truyền thống hơn 20 năm, bà Đặng Thị Ngọc Thùy - chủ Cơ sở sản xuất nem Hoàng Khánh (xã Tân Thành, huyện Lai Vung), cho biết: “Bắt nguồn từ việc sản xuất mặt hàng nem chua truyền thống, cơ sở đã phát triển thành chuỗi sản phẩm với hàng chục sản phẩm như: chả lụa, chả hoa, pate, bì dai, bì chua, nem huế, nem nướng... Thời gian qua, các sản phẩm của thương hiệu Hoàng Khánh được thị trường đón nhận. Từ đó, cơ sở tự tin tiếp tục đầu tư thiết bị máy móc, thiết kế bao bì nhãn mác nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Chúng tôi cũng dành nhiều tâm huyết để quay lại sản xuất dòng sản phẩm nem được làm thủ công; đẩy mạnh phục vụ khách du lịch theo hướng trải nghiệm sản xuất và thưởng thức nem truyền thống...”.

Là người có thâm niên trong nghề đóng xuồng, ghe, ông Nguyễn Văn Tốt (ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung) chia sẻ: “Để thích ứng với thị trường, tôi chủ yếu gia công sản phẩm xuồng, ghe phục vụ du lịch thông qua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Không chỉ dừng lại phát triển các dòng sản phẩm lưu niệm mà hiện nay nhiều khách hàng đến đặt hàng với các sản phẩm mới như: bồn tắm cho các khu du lịch; xuồng cui “mini” dùng thay cho các chậu cắm hoa, trưng bày tại các công trình đường hoa Tết. Sản phẩm không chỉ bán cho khách hàng trong nước mà còn bán cho khách hàng ở nước ngoài”.

Ông Nguyễn Hữu Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết: “Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả, địa phương tập trung tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh các làng nghề, làng nghề truyền thống thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, giá trị văn hóa và sự cần thiết bảo tồn, gìn giữ các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống của địa phương; giới thiệu, phổ biến các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp làng nghề điển hình hoạt động có hiệu quả, phát triển mạnh và phổ biến kịp thời các cơ chế, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn. Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng cho các sản phẩm của làng nghề, trong đó chú trọng, ưu tiên sự tham gia của các chủ thể sản xuất là các cơ sở làm nghề tại các làng nghề.... Điều này góp phần xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”.


Ông Nguyễn Văn Tốt (ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung) gia công sản phẩm xuồng, ghe phục vụ nhu cầu thị trường

Gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề

Theo UBND huyện Lai Vung, để giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các làng nghề, trong định hướng, địa phương khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia Chương trình OCOP, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống...

Các ngành chức năng, hỗ trợ tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế từ các mô hình bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống các địa phương khác nhằm trao đổi, chia sẻ những giải pháp để xây dựng, phát triển làng nghề mới ở địa phương; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các làng nghề; vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các khóa đào tạo về sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học để tham gia đào tạo nghề, truyền nghề nhằm duy trì, bảo tồn giá trị cổ truyền, tinh xảo, độc đáo của làng nghề cho thế hệ sau.

Huyện hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ các cơ sở làm nghề tại các làng nghề chủ động, tích cực liên kết hợp tác, tham gia thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức có tư cách pháp nhân tại các làng nghề. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tổ chức sản xuất, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm tại các làng nghề; hỗ trợ xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng cho các sản phẩm của làng nghề, trong đó chú trọng, ưu tiên sự tham gia của các chủ thể sản xuất là các cơ sở làm nghề tại các làng nghề. Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua việc đặt hàng thực hiện đề tài, đề án nghiên cứu về khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất cho các làng nghề; hỗ trợ, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho cơ sở tiên phong trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất...

Đồng chí Võ Hoàng Cương - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Lai Vung, cho biết: “Trong định hướng, địa phương sẽ phát triển làng nghề truyền thống theo hướng tập trung vào nguồn lực đang sẵn có trong người dân. Trong đó, nâng cao giá trị phong phú vốn văn hóa của địa phương nhằm “chắp cánh” cho sản phẩm làng nghề vươn xa. Huyện cũng sẽ dành không gian tổ chức điểm hội tụ làng nghề nhằm giới thiệu giá trị sản phẩm; phục vụ du lịch trải nghiệm làng nghề. Đồng thời thực hiện chương trình phát triển du lịch trải nghiệm cộng đồng qua các vườn cây ăn trái, vườn hoa, cánh đồng hoa màu gắn với làng nghề. Qua đó, lan tỏa đến du khách hiểu được bản sắc, hiểu được giá trị văn hóa phi vật thể của làng nghề trên địa bàn huyện Lai Vung...”. 

Nam Phong

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn