Huyện Hồng Ngự

Khai thác thế mạnh các ngành hàng

Cập nhật ngày: 18/10/2018 10:24:58

ĐTO - Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Hồng Ngự đã tổ chức lại sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hình thành những mô hình hiệu quả.

Qua 4 năm thực hiện đề án, kinh tế nông nghiệp của địa phương từng bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.


Lúa gạo là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Hồng Ngự

Với lợi thế sản xuất nông nghiệp, huyện Hồng Ngự chọn 5 ngành hàng chủ lực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gồm: lúa gạo, cây công nghiệp ngắn ngày, rau củ an toàn, cá tra giống và ngành hàng vịt.

Đối với ngành hàng lúa gạo, huyện tập trung vào công tác giảm giá thành, tạo ra sản phẩm mới từ phụ phẩm. Để tạo ra hạt gạo chất lượng, địa phương khuyến khích nông dân sử dụng giống xác nhận, các giống lúa chất lượng cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện nay, toàn huyện có 100% diện tích sản xuất lúa được cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch lúa và có đến 90% diện tích tưới tiêu bằng bơm điện.

Mô hình liên kết và tiêu thụ lúa từng bước đi vào chiều sâu theo tinh thần chuỗi giá trị hàng hóa. Diện tích liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp tăng dần qua từng năm. Mô hình này giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với mô hình sản xuất truyền thống. Qua 4 năm, huyện đã tổ chức liên kết được trên 7.000ha.

Ngành hàng rau, củ an toàn được xem là sản phẩm thế mạnh của địa phương với diện tích sản xuất rau màu hàng năm khoảng 2.000ha, chủ yếu tập trung tại các xã: Long Khánh A, Long Khánh B, Long Thuận và Phú Thuận A. Hướng đến khai thác sâu tiềm năng ngành hàng này, địa phương đã áp dụng nhà lưới vào sản xuất. Trong năm 2018, từ nguồn kinh phí khuyến nông, địa phương hỗ trợ người dân xây dựng 4.000m2 nhà lưới, nâng tổng số diện tích nhà lưới lên 16.000m2.

Vừa qua, Hợp tác xã (HTX) rau củ an toàn xã Long Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Phát huy thế mạnh đó, HTX và các thành viên đã tổ chức liên kết và tiêu thụ rau, củ an toàn với các công ty, doanh nghiệp được 22 tấn.

Với thế mạnh sản xuất cá tra giống cung cấp cho người nuôi trong và ngoài tỉnh, hiện nay toàn huyện có 890 cơ sở sản xuất cá tra giống với diện tích 280ha, với khoảng 500 triệu con. Định hướng đưa ngành hàng này phát triển đúng tiềm năng, từ năm 2014, địa phương thực hiện chương trình nâng cao chất lượng cá tra giống bố mẹ. Huyện triển khai thực hiện mô hình cá tra giống theo chuẩn BMP, cung cấp cho người nuôi con giống chất lượng với diện tích 1ha/6 triệu con bột/hộ nuôi tại xã Phú Thuận B. Mô hình này sản xuất ra những con giống tốt giảm chi phí, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và cho lợi nhuận cao hơn 10% so với bên ngoài.

Đối với ngành hàng bò sinh sản, bò vỗ béo, huyện đẩy mạnh thực hiện công tác cải tạo giống thông qua chương trình Sind hóa đàn bò. Chỉ đạo và các ngành chuyên môn tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phòng trừ dịch bệnh và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng năm, tỷ lệ tiêm phòng bệnh đạt từ 80% trở lên.

Thời gian qua, địa phương vận động người dân chuyển đổi trên 70ha vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, thúc đẩy phát triển các loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đối với bắp lai, mè... thu về lợi nhuận khoảng 13 triệu đồng - 22 triệu đồng/ha.

Ngoài các ngành hàng được chọn, ngành hàng vịt vừa được huyện bổ sung vào quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hiện nay, tổng đàn vịt trên địa bàn huyện là 300 ngàn con. Theo đó, vịt đang trong giai đoạn đẻ trứng là 150 ngàn con, hàng đêm thu về 120 ngàn trứng với giá bán bình quân dao động từ 2.400 - 2.700 đồng/trứng.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn