Lan tỏa vai trò chủ thể trong tham gia xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 26/03/2024 05:17:22

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240326051816dt2-3.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai kịp thời các văn bản của Trung ương về chương trình xây dựng NTM; các sở, ngành tỉnh và địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chương trình. Công tác triển khai thực hiện của các địa phương nghiêm túc, chủ động ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể, có lộ trình, phân công nhiệm vụ rõ ràng...


Công nhân Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp đang tuyển chọn hạt sen sấy - Sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh

Với sự sâu sát đó, năm 2023, tỉnh công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn NTM. Đến nay có 115 xã đạt chuẩn NTM. Đối với xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tỉnh xét, đề nghị công nhận thêm 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 111% so với kế hoạch đề ra trong năm 2023. Đến nay, tỉnh có 38 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đối với đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM/đạt chuẩn huyện NTM, hiện nay, UBND các huyện: Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2023. Dự kiến trong tháng 3/2024 sẽ hoàn chỉnh hồ sơ gửi về Trung ương xem xét, thẩm định, công nhận. Đến nay, tỉnh có 3 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ NTM (TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh và TP Hồng Ngự) và 2 huyện (Tháp Mười, Cao Lãnh) đạt chuẩn NTM.

Đến nay, toàn tỉnh có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (1 sản phẩm 5 sao; 86 sản phẩm 4 sao; 366 sản phẩm 3 sao) của 175 chủ thể. Trong đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 28%; hợp tác xã chiếm 7,43%; hộ gia đình, cơ sở sản xuất chiếm 64,57% và có 40,57% chủ thể là nữ. Trên cơ sở khai thác nguồn nguyên liệu từ các sản phẩm làng nghề, đến nay có gần 40 sản phẩm OCOP được phát triển từ các làng nghề chủ yếu như: làng nghề truyền thống sản xuất bột, hoa kiểng Sa Đéc, làng nghề khô cá lóc, đan thảm lục bình và 6 sản phẩm du lịch đạt 3 - 4 sao OCOP.

Đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 1,51/1,71%, đạt 113%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt 94%, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch. Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,37%, vượt chỉ tiêu kế hoạch; lao động qua đào tạo đạt 75,4%, bằng 100% chỉ tiêu kế hoạch.

Tính đến ngày 31/01/2024, toàn tỉnh đã huy động được khoảng 2.129,074 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM (không tính vốn tín dụng). Trong đó, vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư là khoảng 253,303 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2023, các chi nhánh ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, người dân trên địa bàn tỉnh vay vốn tín dụng với khoảng 45.551 tỷ đồng.

Với những kết quả đạt được, năm 2024, tỉnh đề ra mục tiêu trong hành trình xây dựng NTM là tiếp tục thực hiện chương trình theo hướng nâng cao chất lượng theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, phát huy hiệu quả vai trò tự quản của cộng đồng dân cư trên tinh thần tự lực, chăm chỉ và hợp tác. Đồng thời tạo sự chuyển biến thật sự, lan tỏa vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng NTM; hướng người dân tự nguyện, tự giác thực hiện các công trình, phần việc ở cộng đồng dân cư; tiếp tục gắn kết chặt chẽ thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững.

Theo đó, năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Về huyện đạt chuẩn NTM, phấn đấu huyện Tân Hồng, huyện Tam Nông và huyện Thanh Bình đạt chuẩn huyện NTM. Đồng thời phấn đấu huyện Tháp Mười đạt chuẩn NTM nâng cao.

Về nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tỉnh đề ra chỉ tiêu giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,89%; hộ dân được sử dụng nước sạch là 96%; lao động qua đào tạo là 77,2%.

Nguồn vốn huy động dự kiến nguồn lực năm 2024 là 53.486,263 tỷ đồng. Trong đó, gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn huy động từ cộng đồng dân cư và vốn khác, vốn tín dụng...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn